Nâng cao chất lượng thu hút FDI - Hệ lụy từ việc “trải thảm đỏ”

Bùng nổ vốn đầu tư
Nâng cao chất lượng thu hút FDI - Hệ lụy từ việc “trải thảm đỏ”

Bài 1: (LTS) : Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính đến nay, nước ta đã thu hút được gần 180 tỷ USD vốn FDI và riêng trong 3 năm gần đây là 114 tỷ USD. Lượng vốn đăng ký tăng lên mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng phát sinh những bất cập cần sớm được khắc phục.

Bùng nổ vốn đầu tư

Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài được ban hành từ năm 1988 nhưng cả một thời gian dài kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế. Phải đến khi Việt Nam gia nhập WTO, làn sóng FDI mới thực sự bùng nổ.

Sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động xuất khẩu tại Công ty TNHH Sonion (100% vốn Đan Mạch). Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động xuất khẩu tại Công ty TNHH Sonion (100% vốn Đan Mạch). Ảnh: CAO THĂNG

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), trong 3 năm từ 2007 - 2009, nước ta đã thu hút được 4.098 dự án FDI với vốn đăng ký đã đạt 114,15 tỷ USD, bằng 4,5 lần so với mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm 2006 - 2010.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, có được những kết quả tích cực nói trên là nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất, để thực hiện nghĩa vụ thành viên WTO, Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh các chính sách kinh tế theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp; mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ nhằm tận dụng tốt các cơ hội trong quá trình hội nhập.

Thứ hai, thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng. Các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường hơn. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI gia tăng đáng kể nên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất.

Thứ ba, cùng với việc xóa bỏ các rào cản về đầu tư, Việt Nam đã trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chính những thay đổi lớn về môi trường đầu tư kinh doanh đã giúp Việt Nam đón bắt được nhiều cơ hội mới.

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của khu vực FDI đối với nền kinh tế. Nhưng việc gia tăng quá nhanh các siêu dự án với cơ cấu đầu tư không được chọn lọc đã làm phát sinh các hệ quả không mong muốn, ví như “mặt trái của tấm huy chương”. Kỷ lục cao nhất trong thu hút FDI vào nước ta là năm 2008 với trên 64 tỷ USD vốn đăng ký (cả cấp mới và tăng vốn).

Tuy nhiên, các dự án đăng ký chủ yếu tập trung vào khai thác tài nguyên, đất đai và một số ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, trong 60,271 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới trong năm 2008, số vốn điều lệ các doanh nghiệp chỉ có 15,429 tỷ USD, bằng khoảng 25,6%. Từ đó, có thể thấy muốn thực hiện dự án, các doanh nghiệp FDI phải liên kết với các doanh nghiệp khác hoặc lệ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay mới có thể thực hiện dự án.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng những dự án mà nhà đầu tư dựa vào giấy phép được cấp để gọi vốn đối tác hoặc vay của các tổ chức tài chính vì không đủ “lực” thực hiện sẽ làm dự án triển khai không trôi chảy, ì ạch và nếu không triển khai được sẽ để lại hậu quả rất nặng nề.

Năm 2009, tuy bị ảnh hưởng do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng Việt Nam vẫn thu hút được 21,482 tỷ USD vốn FDI. Đáng chú ý là trong năm ngoái, lĩnh vực lưu trú và ăn uống vẫn dẫn đầu với 8,8 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư, tiếp tục đứng thứ 2 về lượng vốn FDI trong các nhóm ngành với kết quả đạt 7,6 tỷ USD. Xét trên bình diện chung, các dự án FDI phần lớn tập trung khai thác tài nguyên.

Trong lúc đó, nông nghiệp là thế mạnh của nước ta, đến nay nguồn vốn FDI không tác động bao nhiêu, vẫn còn quá ít dự án FDI đầu tư trong lĩnh vực cải thiện cơ sở hạ tầng. Đối với những dự án chủ yếu khai thác nguồn nhân công giá rẻ sẽ rất bấp bênh, vì doanh nghiệp sẽ rút đi khi chi phí lao động và các chi phí khác tăng lên.

Thực chất dự án tỷ đô

Khi nước ta ngày càng thu hút mạnh nguồn vốn FDI và chỉ riêng năm 2008 đạt trên 64 tỷ USD, có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần có sự chọn lựa kỹ càng hơn về các dự án đầu tư, nhằm tăng chất lượng và tính bền vững dòng vốn này. Thực tế cho thấy nhiều dự án FDI có vốn đầu tư hàng tỷ USD đang bộc lộ những yếu điểm, không có lợi cho nền kinh tế.

Sản xuất thiết bị phục vụ ngành hàng hải tại Nhà máy Odim (100% vốn của Na Uy). Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất thiết bị phục vụ ngành hàng hải tại Nhà máy Odim (100% vốn của Na Uy). Ảnh: CAO THĂNG

Thông tin mới đây cho biết, nhiều khả năng dự án khổng lồ gần 10 tỷ USD đầu tư khu liên hợp thép Cà Ná tại tỉnh Ninh Thuận sẽ bị rút giấy phép đầu tư. Dự án này chia làm 4 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (năm 2008-2010) sẽ xây dựng nhà máy có công suất là 4,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, kể từ khi động thổ hồi cuối năm 2008 đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Còn tại Thái Nguyên, dự án khai khoáng Núi Pháo – một trong những dự án FDI lớn nhất ở tỉnh này (quy mô 450 triệu USD) được cấp phép cách đây nhiều năm đến nay vẫn không triển khai được, đang trong quá trình đàm phám chuyển đổi cho nhà đầu tư trong nước thực hiện.

Năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài hạn chế là nguyên nhân việc triển khai các dự án chậm trễ. Các trường hợp “nhùng nhằng” như trên không phải lần đầu tiên mới xảy ra. Điển hình nhất về tình cảnh “đầu voi, đuôi chuột” là dự án liên hợp thép Tycoon - E.United ở Dung Quất, Quảng Ngãi.

Được cấp phép vào tháng 9-2006 với tổng vốn 1,2 tỷ USD, nhưng sau 3 năm, hình hài dự án chưa thấy đâu, chỉ thấy sự thay đổi như chong chóng của phía các nhà đầu tư.

Một dự án khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng vốn đầu tư lên đến trên 3 tỷ USD, nhưng ngay từ khi triển khai dư luận đã cho rằng đây là một dự án “xí chỗ”, bởi lẽ tiềm lực tài chính của chủ đầu tư chỉ có khoảng 100 triệu USD, cùng với “lá bùa” là giấy phép xây dựng casino, nằm trong tổng thể dự án khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng…

“Thời gian gần đây các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS có số vốn đăng ký khá lớn. Phải hết sức lưu tâm rằng, không phải nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem toàn bộ tiền của mình vào đầu tư. Phổ biến là làm theo kiểu cuốn chiếu “lấy mỡ nó rán nó”. Do đó việc đóng góp vào mục tiêu cân đối ngoại hối không lớn và loại hàng hóa này cũng không xuất khẩu được, để mang về ngoại tệ cho đất nước!” - ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhận định.

Hậu quả tất yếu của việc dễ dãi trong tiếp nhận FDI là sẽ có nhiều dự án tỷ đô bị rút giấy phép. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ. Các hệ lụy xảy ra cuối cùng nước ta phải gánh chịu. Có thể thấy mỗi dự án liên hợp thép thường chiếm ít nhất từ 1.000 - 3.000ha đất, chưa kể diện tích cảng biển và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Khi dự án kéo dài thì đồng nghĩa một diện tích đất lớn bị di dời, giải tỏa nhưng không phát huy tác dụng, gây lãng phí. Những dự án treo như vậy cũng đã làm lỡ mất cơ hội cho các nhà đầu tư khác đủ năng lực hơn và lỡ cả cơ hội có được lợi nhuận nếu như dự án triển khai đúng tiến độ. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân đã phải “nhường mặt bằng” cho những dự án này.

Nhìn lại các dự án FDI bị rút giấy phép thời gian qua cho thấy, mặc dù nguyên nhân cơ bản vẫn là do chủ đầu tư nước ngoài không thu xếp được tài chính, song cũng cần thấy rằng tình trạng “treo” các dự án trên là hệ quả của việc cấp phép dễ dãi tại các địa phương.

Việc thẩm định năng lực chủ đầu tư của chính quyền cấp tỉnh là có vấn đề. Liệu rằng, tới đây, sẽ còn những dự án FDI đầu voi đuôi chuột như vậy? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lời hứa của các nhà đầu tư FDI cần được soát xét kỹ càng hơn, và việc cấp phép tràn lan của chính quyền địa phương cũng cần được nghiêm khắc xử lý.

Cần cách nhìn, tư duy mới

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết: Vấn đề chất lượng dự án, chất lượng dòng vốn FDI đã được đặt ra ngay từ thời điểm bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, do đặc thù thiếu vốn đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực, chúng ta chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào mọi lĩnh vực và với mọi quy mô. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn cụ thể cần có chính sách cho phù hợp.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần có cách nhìn và tư duy mới. Với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề đặt ra là không chỉ quan tâm tới yếu tố tăng trưởng, mà còn phải xây dựng được cơ cấu kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững. Do đó, vấn đề chất lượng dự án FDI hiện nay liên quan đến quy hoạch, định hướng phát triển các ngành nghề cụ thể.

Theo tôi, đối với những ngành nghề trong nước có thể tự làm, sử dụng vốn ít và giải quyết nhiều việc làm thì cần để cho doanh nghiệp trong nước làm vì lợi ích lâu dài của quốc gia. Đối với những ngành nghề cần tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, cần định hướng rõ cho nhà đầu tư biết để xem xét khả năng tham gia.


BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục