3 x 7 hay 7 x 3?

Bài 1: Phép nhân sơ đẳng?

LTS
Bài 1: Phép nhân sơ đẳng?

LTS: Nối một nhịp cầu để bạn đọc, giới đầu tư, doanh nghiệp thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang bùng nổ với nhiều cơ hội đang mở ra nhưng cũng không ít thách thức kèm theo, báo ĐTTC mở chuyên mục “Ý TƯỞNG & DOANH NHÂN” nhằm ghi nhận ý kiến của các học giả, chuyên gia, doanh nghiệp, bạn đọc… đóng góp vào vấn đề này. Tòa soạn rất mong nhận được nhiều bài viết phân tích, đề xuất, hiến kế của quý vị. Trong số này, ĐTTC xin giới thiệu bài viết của bà Tạ Thị Ngọc Thảo (ảnh)

Bài 1: Phép nhân sơ đẳng? ảnh 1

“3 x 7 hay 7 x 3” -một phép nhân, một bài cửu chương của trẻ con thì có gì đáng để chúng ta suy nghĩ? Thế mà nó được đặt ra trong giờ lên lớp của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam. Điều bất ngờ là không phải học viên nào cũng trả lời được một cách rốt ráo bài toán sơ đẳng này.

3 x 7, 7 x 3 là gì?

Ai cũng biết rằng: 3 x 7 hay 7 x 3 cũng bằng 21, nhưng nếu xét đáp số “21” tưởng chừng bằng nhau này ở góc độ hiệu quả kinh doanh ta lại thấy nó chứa đựng nhiều sự khác biệt. Trong phép nhân thứ nhất: 3 x 7 = 21; giả thiết “3” là số lượng khách hàng, số lượng sản phẩm hoặc đồng vốn giao dịch, “7” là lợi nhuận thu được (một đồng vốn cho ta 7 đồng lời), thì “21” là kết quả kinh doanh. Phép nhân thứ hai: 7 x 3 = 21 cũng cùng một giả thiết như trên, nhưng phải 7 lần giao dịch ta mới thu được kết quả kinh doanh là “21” (1 đồng vốn ta chỉ thu được 3 đồng lời). Đến đây, bài toán không còn là một phép tính nhân hay một bài cửu chương mà 3 x 7 hay 7 x 3 đã trở thành chiến lược kinh doanh của từng người chủ doanh nghiệp.

3 x 7: Sự lừa dối ngọt ngào?

Nếu ta yêu cầu khách hàng nhắm mắt lại rồi mời họ uống thử nhiều loại nước suối đóng chai, có khi khách hàng sẽ không phân biệt được sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp kia; thậm chí, sẽ không phân biệt được với nước nấu chín của chính gia đình họ. Nhưng khi khách hàng mở mắt ra để chọn mua loại sản phẩm có tính gần như đồng nhất này, nhiều người đã vui vẻ trả tiền cho loại này mắc hơn loại kia đến vài trăm phần trăm! Tại sao như vậy? Giới doanh nhân đã lừa dối khách hàng của mình chăng? Câu trả lời là “không”! Hoàn toàn dựa trên tiêu chí “thuận mua vừa bán”.

Sự cạnh tranh trong thương trường đã đẩy các doanh nghiệp muốn tồn tại phải luôn nhạy bén và sáng tạo, như người bơi trong dòng nước ngược. Trong một thị trường tràn ngập hàng hóa từ bình dân đến cao cấp, làm sao để khách hàng nhận biết và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp mình đã khó, trung thành với sản phẩm càng khó hơn. Còn làm sao cho khách hàng chấp nhận trả giá cao hơn nhiều phần trăm với các sản phẩm đồng loại là điều không thể. Một số người chủ
doanh nghiệp đã biến cái không thể đó thành có thể.

Thực hiện mô hình kinh doanh 3 x 7 là những người chủ doanh nghiệp đã nhắm vào loại khách hàng có thu nhập cao, ngoài giá trị thật của sản phẩm, họ còn có nhu cầu thỏa mãn tâm lý tiêu dùng. Nghĩa là, khách hàng chấp nhận trả một giá cao hơn rất nhiều giá trị thật chỉ vì sản phẩm đó (hoặc dịch vụ đó) làm cho họ vui thích, thể hiện được đẳng cấp, khẳng định được cái tôi, bộc lộ được tính cách, quyền lực… Khôn ngoan hơn, những người chủ doanh nghiệp còn tạo ra tâm lý hãnh diện, cảm giác an toàn, tâm trạng thoải mái cho khách hàng cộng với sự hoàn hảo ở mức cao nhất của chất lượng sản phẩm và sự ưu ái đặc biệt trong dịch vụ để giữ chân khách cũ, chiêu mời khách mới.

Thực tế ở thị trường TPHCM, có rất nhiều loại sản phẩm và dịch vụ thể hiện rõ nét mô hình kinh doanh 3 x 7 như: hệ thống Khai Silk, hệ thống AA, hệ thống Paris Deli, thời trang Minh Hạnh, áo dài Sĩ Hoàng, Phở 24, Kinh doanh nhà Phú Mỹ Hưng… Gắn liền với những hoạt động đầu tư và kinh doanh cao cấp là tên tuổi của những người chủ có uy tín được xã hội biết và trân trọng. Mô hình kinh doanh 3 x 7 rất phù hợp với những tập đoàn, doanh nghiệp có vốn lớn, chiếm thị phần cao và địa bàn hoạt động rộng.

Nếu sản phẩm có tính đồng nhất như nước suối đóng chai mà các chủ doanh nghiệp còn tạo ra sự chênh lệch về giá đến vài trăm phần trăm và được khách hàng chấp nhận, thì những sản phẩm và dịch vụ được chú trọng đầu tư để tạo ra sự khác biệt, vuốt ve sự kiêu hãnh của khách hàng, đem về nguồn lợi nhuận ngọt ngào cho chủ doanh nghiệp là điều hoàn toàn có thể.

Tạ Thị Ngọc Thảo
Giám đốc Công ty TTNT

Bài 2: 7 x 7 và hơn thế nữa

Tin cùng chuyên mục