(SGGP).- “Học lịch sử trong sách vở con tôi chỉ nghe, hiểu chung chung chứ không hình dung được. Còn qua những chuyến tham quan thực tế tại các bảo tàng, tận mắt nhìn thấy các hiện vật được trưng bày, con tôi gần như hiểu trọn vẹn giá trị lịch sử các trận đánh oai hùng của cha ông ngày trước” - chị Nguyễn Thị An Dao (quê Sóc Trăng) chia sẻ.
Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM), tôi gặp gia đình chị An Dao. Cô con gái đang học lớp 1 của chị vừa xem mẫu trưng bày những cây súng vừa hỏi mẹ: “Ngày xưa chú bộ đội đánh giặc bằng cây súng này hả mẹ”. Chị gật đầu và giải thích thêm cho con hiểu chiến tranh là gì, vì sao chú bộ đội lại phải đi đánh giặc, giữ non sông Tổ quốc. Khi đến bên chiếc máy bay trực thăng, con gái lại hỏi nó để làm gì, chị bảo xưa chú bộ đội dùng để chiến đấu. Con bé gật đầu ra chiều hiểu chuyện: Cô giáo nói chú bộ đội rất gan dạ, đi đánh giặc không sợ hy sinh. Khác với em gái khi nhìn thấy gì cũng hỏi mẹ, cậu con trai lớn của chị An Dao đang học lớp 8 chỉ im lặng đứng nhìn hoặc đọc các ghi chú. Thi thoảng cậu nói với cha: “Chiến tranh khốc liệt quá, cha nhỉ!”. Sau khi tham quan một vòng, cậu nói mình muốn đi thăm Hội trường Thống Nhất.
Cứ vào các dịp lễ hay hè, khi các con được nghỉ học, chị An Dao lại tranh thủ đưa các con lên TPHCM hoặc các tỉnh khác thăm các bảo tàng, nhà truyền thống nhằm giúp con hiểu hơn những giá trị lịch sử từ thực tế. Ngày 30-4 vừa qua, khi TPHCM long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị An Dao đưa con lên TPHCM. “Các con tôi đã hiểu rất nhiều về niềm tự hào dân tộc” - chị An Dao tâm sự.
Thời gian qua, các thế lực thù địch tìm mọi cách đưa những thông tin sai lệch về lịch sử của dân tộc ta. Trong thời buổi Internet phát triển, từ nhỏ trẻ đã có cơ hội tiếp cận các thông tin trên mạng. Với tính tò mò, khi nghe thấy các luồng thông tin tiêu cực, trái chiều với những gì đã được học ở trường, trẻ dễ hoài nghi, không biết nên tin vào thông tin nào và nếu thông tin sai lệch cứ lặp lại nhiều lần thì trẻ có thể sẽ tin theo. Thế nên việc đưa con đi thực tế để con tận mắt nhìn thấy lịch sử oai hùng của cha ông là cách dạy con hiệu quả nhất.
Tại các bảo tàng ở TPHCM, không chỉ người dân các tỉnh mà cả du khách nước ngoài khi đến Việt Nam cũng tìm đến để tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử, tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Chợt nhớ, dù đang sinh sống tại TPHCM, nơi có rất nhiều nhà bảo tàng, di tích ghi lại lịch sử dân tộc nhưng tôi chưa một lần đưa con đến tham quan, học tập. Nghĩ mà hổ thẹn, bởi dù con còn nhỏ hay đã lớn thì việc dạy con hiểu lịch sử dân tộc là điều cần thiết. Và không gì thiết thực, dễ hiểu bằng cho con được tận mắt nhìn, tận tai nghe lịch sử từ thực tế các chuyến đi.
THÁI PHƯƠNG