Dạy đạo đức phải chạm đến trái tim học sinh

Ngày 10, 11-8, ngành giáo dục đã dành gần trọn 2 ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) để tổ chức hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức - công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam với sự tham dự của hàng trăm nhà khoa học, giáo dục, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, những người trực tiếp giảng dạy môn này đến từ các địa phương, trường học trong cả nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà xã hội luôn phàn nàn giáo dục Việt Nam chú trọng dạy chữ hơn dạy lễ nghĩa, khi mà một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên có biểu hiện băng hoại về đạo đức, lối sống thì việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh - sinh viên luôn là nhu cầu bức thiết của từng người dân và cả cộng đồng xã hội.

Hơn một thập kỷ qua, môn đạo đức - giáo dục công dân (GDCD) luôn khiến xã hội thấy bức xúc mỗi lần viện dẫn sự giáo điều, khô cứng của môn học này. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, nội dung chương trình hiện hành còn nhiều điều chưa hợp lý, nhẹ giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành, chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống.

Nhiều bài học trong SGK môn đạo đức - GDCD còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý, tình cảm của học sinh. Thầy Nguyễn Hữu Hồng, cán bộ giảng dạy Khoa Giáo dục chính trị, ĐH Sư phạm Hà Nội bức xúc “Chúng ta không có xe điên, chỉ có người điên gây nên những vụ tai nạn thương tâm vì ý thức chấp hành pháp luật quá kém".

Môn đạo đức - GDCD là môn học góp phần trực tiếp hình thành nhân cách học sinh - những mầm non của đất nước, tương lai của dân tộc. Hiệu quả của môn học có thể không thể hiện qua những thành tích bề nổi như thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế mà những môn học khác gặt hái. Nhưng thành quả của môn đạo đức - GDCD góp phần tạo nên những thế hệ con người Việt Nam có trình độ, lương tri, ý thức tuân thủ pháp luật không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả toàn cầu. Nói cách khác, môn học đang được coi là môn phụ này góp phần làm nên nhân cách toàn diện của người Việt Nam. Bởi vậy, không đơn giản mà tại hội thảo nhiều ý kiến nói nếu không đạt được mục đích của môn học đạo đức - GDCD thì chúng ta sẽ làm hỏng nhiều thế hệ người Việt Nam, thậm chí làm hỏng chế độ.

Mang sứ mệnh vinh quang là thế, nhưng môn học này đang được coi là môn phụ, các giáo viên dạy môn học này đang được coi là giáo viên phụ, và chính vì “phụ” nên ngay bản thân ngành giáo dục trong nhiều năm qua cũng đã không có sự quan tâm thỏa đáng cho môn học này. Không phải là quá khi có ý kiến cho rằng, giáo viên dạy môn đạo đức - GDCD phải là “tinh túy của tinh túy”. Đó phải là những giáo viên tâm huyết, yêu nghề, có ý thức cập nhật thường xuyên kiến thức thực tiễn để dẫn dắt học sinh vào dòng chảy đời sống, gợi mở cho các em soi mình vào những chuẩn mực xã hội để hoàn thiện nhân cách cá nhân. Và điều quan trọng nhất, đây cũng là môn học không cần phải chờ hoàn thiện chương trình - SGK, xây dựng cơ sở vật chất… mới có thể giảng dạy tốt. Từng bài học về đạo đức, nhân cách con người có thể hấp dẫn ngay trên những bục giảng đơn sơ nhất, với tất cả những dòng chảy cuộc sống đang diễn ra.

Tuy không đổ hết lỗi cho ngành giáo dục, nhưng ai cũng hiểu, tình trạng xuống cấp về đạo đức và vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay có một phần trách nhiệm thuộc về việc dạy và học đạo đức - GDCD trong nhà trường. Vì thế, đổi mới cách dạy và học môn học này từ lâu đã là yêu cầu bức thiết trong quá trình đổi mới toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong hội nghị bàn tròn về đổi mới giáo dục do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây cũng đề nghị Bộ GD-ĐT khôi phục lại khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” ở bậc tiểu học. Xã hội mong mục đích của môn học không thể quá cao siêu, mà chỉ là nhằm giáo dục học sinh những chuẩn mực hành vi đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật. Tất cả những điều này không khó khi ngành giáo dục quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục