Dạy học xáo trộn vì Covid-19

Trường học liên tục xuất hiện F0, học sinh đi học vài bữa rồi nghỉ, giáo viên bở hơi tai vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến, phụ huynh cũng bơ phờ vì chạy theo lịch học của con. Đó là thực trạng đang diễn ra tại các trường học ở TPHCM sau thời gian học sinh trở lại học trực tiếp.
Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1, TPHCM) đến trường học trực tiếp sáng 1-3. Ảnh: THU TÂM
Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1, TPHCM) đến trường học trực tiếp sáng 1-3. Ảnh: THU TÂM

Chóng mặt vì “on-off”

Chị Thanh Nga, phụ huynh có con đang học lớp 3 một trường tiểu học ở TP Thủ Đức cho biết, trường học mở cửa hơn 2 tuần nhưng đã phải 2 lần lên trường lấy sách vở về nhà cho con tự học. Thời khóa biểu hàng tuần thay đổi, con mệt, mẹ cũng bơ phờ vì phải sắp xếp công việc ở nhà với con. 

Tương tự, 2 tuần qua đối với gia đình anh Phúc Nguyên, phụ huynh có con đang học tiểu học ở quận 3, đầy xáo trộn vì lớp con liên tục xuất hiện F0. “Học 2-3 bữa rồi nghỉ, có hôm con mới đến trường buổi sáng, đến trưa phụ huynh nhận được điện thoại cô giáo thông báo đến đón con khiến công việc, sinh hoạt gia đình đảo lộn”, phụ huynh ngán ngẩm cho biết. 

Theo cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), toàn trường hiện có 80 học sinh cách ly tại nhà để điều trị Covid-19. “Tuần trước trường có 4 lớp học trực tuyến. Tuần này 3/4 lớp quay lại học trực tiếp nhưng có thêm 4 lớp khác chuyển qua học trực tuyến. Ngoài học sinh, số lượng giáo viên là F0 cũng tăng khiến trường khó khăn về bố trí nhân sự”, cô Mỹ Hạnh cho biết. Trong khi đó, đặc thù của chương trình bậc THCS hiện nay là một lớp học có 13 giáo viên giảng dạy, một giáo viên đảm nhận 7-10 lớp. Nếu giáo viên phải dạy luân phiên lớp này trực tuyến, lớp kia trực tiếp đòi hỏi các điều kiện đi kèm như bố trí thiết bị dạy học, chỗ ngồi yên tĩnh để dạy trực tuyến... “Giai đoạn này không thể đòi hỏi chất lượng dạy học như các năm trước, biện pháp duy nhất là tăng cường phụ đạo, giải đáp thắc mắc để bổ sung kiến thức cho học sinh”, phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận Bình Thạnh bày tỏ.  

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Minh Đạo, quận 8, TPHCM ra về chiều 1-3. Ảnh: CAO THĂNG

Lúng túng quy định xử lý F0, F1

Tuần qua, PV Báo SGGP nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh về việc con có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19 tại nhà nhưng khi báo cho giáo viên chủ nhiệm lại nhận được yêu cầu phải xét nghiệm PCR mới công nhận kết quả. Liên quan vấn đề công nhận học sinh mắc Covid-19, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, khi học sinh có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19, gia đình cần báo ngay cho trạm y tế (TYT) hoặc trung tâm y tế (TTYT) địa phương nơi cư trú để được xét nghiệm. 

Chiều 1-3, qua trao đổi, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, thực tế có nhiều trường hợp khi phát hiện con em mình là F0 nhưng tự điều trị tại nhà và không báo cho chính quyền địa phương. Đối với những trường hợp này, sở đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT, đề nghị sở yêu cầu nhà trường phải tiếp nhận học sinh trở lại trường khi học sinh đó có kết quả âm tính với Covid-19. PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, việc nhiều trường còn yêu cầu học sinh xét nghiệm PCR là hoàn toàn không đúng và cần chấn chỉnh.

Đại diện Sở GD-ĐT khẳng định, quy định hiện nay vẫn khuyến khích phụ huynh đưa con ra TYT  hoặc TTYT để được xét nghiệm và công nhận kết quả âm tính. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhân lực y tế địa phương đang quá tải, nếu phụ huynh có điều kiện có thể tự test cho con tại nhà với sự chứng kiến của nhà trường nhằm đảm bảo tính chính xác, trung thực của kết quả.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, khẳng định, sở đã lên kế hoạch theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND TPHCM xem xét chính sách dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Hôm qua 1-3, TPHCM chính thức đón thêm trẻ dưới 3 tuổi trở lại trường học. Đây là nhóm trẻ cuối cùng trở lại trường học sau khi học sinh mẫu giáo (từ 3-5 tuổi), tiểu học, THCS và THPT đã trở lại trường từ ngày 14-2. Ghi nhận chung cho thấy công tác chuẩn bị đón trẻ ở nhóm tuổi này được các trường tiến hành thận trọng như ưu tiên đón học sinh cũ, đón trẻ thành nhiều đợt, thậm chí lùi thời gian đón trẻ đến ngày 7-3 để bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất…

---------------------------
Tìm nguồn tài trợ kit test nhanh cho các trường học

Tại buổi khảo sát đột xuất công tác tổ chức dạy học trực tiếp tại Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1, TPHCM) sáng 1-3, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) ghi nhận các đề xuất, kiến nghị đồng thời cho biết sẽ trao đổi thêm với ngành giáo dục và y tế tìm giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho các trường học. 

Theo ông Cao Thanh Bình, hiện Ban Văn hóa - Xã hội cũng đang làm việc với một đơn vị ngân hàng, đồng thời nắm lại nhu cầu kit test từ 21 phòng GD-ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức để tài trợ nguồn kit test cho các đơn vị trường học.

Một số địa phương điều chỉnh phương án học

Ngày 1-3, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về quy định chuyển đổi hình thức học trực tiếp, trực tuyến phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid- 19 trên địa bàn. Theo đó, các trường mần non, nhà trẻ ở phường, xã, thị trấn có cấp độ dịch 1 và 2 nếu phát hiện có 1 trường hợp dương tính thì toàn bộ trẻ trong lớp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, sau 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì đi học trực tiếp trở lại. Đối với các trường phổ thông, nếu lớp học có 2 F0 thì chuyển sang hình thức học trực tuyến. Đối với cấp tiểu học, nếu 10% số lớp của trường có ít nhất 2 F0 thì chuyển toàn trường sang hình thức học trực tuyến. Trường hợp có 20% số lớp học trong một trường THCS, GDTX, THPT có ít nhất 2 F0 thì chuyển toàn trường đó sang hình thức học trực tuyến. Riêng đối với các cơ sở ở phường, xã, thị trấn có cấp độ dịch 3 hoặc 4 thì trẻ ở bậc mầm non được ở nhà, còn lại tùy từng bậc học sẽ kết hợp 2 hình thức học trực tiếp và trực tuyến.

Sở GD- ĐT tỉnh Đồng Nai vừa có báo cáo về việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, các trường học đã thành lập ban chỉ đạo, tổ phòng chống dịch Covid-19, xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch khi có tình huống nghi nhiễm Covid-19… Hiện toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 4.267 trẻ em, học sinh bị nhiễm Covid-19.

Tin cùng chuyên mục