Đẩy mạnh cung ứng vốn dịp Tết Nguyên đán 2017

Tăng tốc

Tăng tốc

Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN) trong những tháng cuối năm 2016, UBND TPHCM vừa giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM phối hợp với Sở Công thương, các đơn vị đầu mối và các ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ DN năm 2016 đẩy mạnh công tác tiếp cận, nắm bắt nhu cầu vốn của DN để cung ứng đủ nguồn vốn, phục vụ cho yêu cầu sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2017.

Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm đẩy mạnh chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung và chương trình Kết nối NH-DN nói riêng; giúp các DN, hộ kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là hộ tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ truyền thống tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp, chấm dứt tình trạng cho vay nặng lãi, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Về chỉ đạo trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho hay, cơ quan này đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương TPHCM để nắm sát DN nhu cầu vốn từ nay đến cuối quý 1-2017 và đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2017 để tập trung vốn phục vụ cho DN vay và đảm bảo bình ổn thị trường tốt nhất trong dịp tết, qua đó cũng hỗ trợ các DN tiến hành đúng kế hoạch về chương trình bình ổn thị trường mà Sở Công thương đề ra. Theo ông Minh, Chương trình cho vay bình ổn thị trường năm 2016 chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán 2017, có 10 ngân hàng thương mại tham gia với hạn mức cam kết là 12.000 tỷ đồng, tăng gần 1.100 tỷ đồng so với năm trước. Tính đến nay, doanh số cho vay từ đầu chương trình đến nay đạt 812 tỷ đồng. Dư nợ đến nay đạt 701 tỷ đồng cho 13 DN vay, chủ yếu là các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2016-2017. Để hỗ trợ vốn dịp cuối năm, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM đang triển khai chương trình cho vay bình ổn đối với các DN hoạt động trong mảng lương thực - thực phẩm thiết yếu… với lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,15%- 6,5%/năm tùy từng mặt hàng.

Ngoài ra, để tăng tốc thực hiện Chương trình Kết nối NH-DN với mục tiêu tổng dư nợ tín dụng giải ngân cho riêng chương trình này lên đến 250.000 tỷ đồng, sau khi Ngân hàng Vietinbank ký kết 33.000 tỷ đồng cho hơn 100 DN trên địa bàn TP vay trong tuần trước đó, tuần qua, 7 Ngân hàng TMCP bao gồm Sacombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, ACB, SeABank đã ký kết hợp đồng tín dụng với tổng nguồn vốn 817 tỷ đồng hỗ trợ cho 67 DN và hộ kinh doanh tại quận Bình Thạnh. Thống kê từ NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, ngành ngân hàng TP đã cho vay DN đạt gần 180.000 tỷ đồng với gần 19.200 khách hàng vay vốn. Trong đó, giải ngân gói tín dụng hỗ trợ đạt hơn 162.000 tỷ đồng cho gần 5.400 khách hàng; ký kết trực tiếp tại các quận, huyện và ký kết theo chuyên đề đạt gần 15.520 tỷ đồng với 13.779 khách hàng vay.

Đảm bảo đáp ứng vốn

Liên quan đến hoạt động tháo gỡ khó khăn cho DN và các chương trình hành động của NHNN, UBND TP thực hiện theo NQ 35 của Chính phủ, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, NHNN chi nhánh TPHCM đang tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay, dư nợ cho vay đối với 5 lĩnh vực này đạt khoảng 770.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2015. Trong đó, cho vay lãi suất ưu đãi đặc biệt đạt 145.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. “Đây là chính sách tín dụng đã hỗ trợ và thúc đẩy DN trong 5 lĩnh vực này duy trì, phục hồi và tăng trưởng tốt trong những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng”, ông Lâm cho hay. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua phản ánh của các DN gặp khó khăn, NHNN chi nhánh TPHCM đã phối hợp với Sở Công thương TP, UBND các quận, huyện để nắm bắt, giải quyết các khó khăn và vướng mắc thông qua tiếp nhận, xử lý danh sách các DN có nhu cầu vốn do Sở Công thương và các đầu mối gửi đến.

Bên cạnh những chương trình trên, bản thân các ngân hàng cũng đưa ra những gói tín dụng hỗ trợ DN để sản xuất kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Cụ thể, Ngân hàng OCB vừa triển khai và thành lập “Dự án doanh nghiệp siêu nhỏ” cung ứng những giải pháp tài chính. Đại diện OCB cho biết, trên thực tế, nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính dành cho DN có quy mô tổng tài sản dưới 20 tỷ đồng và có doanh thu dưới 20 tỷ đồng này rất lớn nhưng họ gặp nhiều hạn chế khi các ngân hàng chưa có giải pháp tài chính chuyên nghiệp dành riêng cho đối tượng này. Nắm bắt được nhu cầu trên của DN siêu nhỏ trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn, OCB đã triển khai các sản phẩm cho vay như: cho vay mua phương tiện vận chuyển, cho vay bổ sung vốn lưu động và đầu tư tài sản cố định để đồng hành với DN nhóm này. Tỷ lệ cho vay cao, lên tới 100% giá trị định giá tài sản; tặng 0,1% lãi suất cho sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn. Tương tự, Kienlongbank đưa ra gói vay ưu đãi lãi suất 0,7%/tháng trị giá 400 tỷ đồng, áp dụng cho tất cả khách hàng có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Sacombank cũng cho hay, từ đầu năm 2016 đến nay, Sacombank cũng đã triển khai 10 gói cho vay ưu đãi trị giá 20.450 tỷ đồng và 150 triệu USD cho khách hàng DN, hộ kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc vay vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng, điều kiện vay linh hoạt…

Liên quan đến cung ứng vốn cho thị trường từ nay đến cuối năm, ông Tô Duy Lâm cho biết, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. “Những tháng cuối năm nhu cầu vốn thường tăng cao, song với quy mô nguồn vốn huy động hiện nay ở mức 1,7 triệu tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cùng với thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định, các TCTD trên địa bàn hoàn toàn đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn hợp lý, hợp pháp và đủ điều kiện tín dụng của mọi DN”, ông Lâm khẳng định.

VI QUÂN

Tin cùng chuyên mục