Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, với mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, việc hợp tác kinh tế, thương mại biên giới giữa Việt Nam - Campuchia đã không ngừng phát triển, đạt được những kết quả đáng kể. Chính hoạt động thương mại biên giới sôi nổi đã góp phần thúc đẩy kim ngạch buôn bán hai chiều tăng mạnh trong thời gian qua. Năm 2009, tổng kim ngạch thương mại biên giới giữa hai nước đạt 1,4 tỷ USD, dự kiến năm 2010 giao thương thương mại hai nước sẽ đạt 2 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Campuchia ngày càng đa dạng, như: sản phẩm công nghiệp, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng may mặc, vải sợi, sản phẩm nhựa, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, vật tư nông nghiệp… Đồng thời nhập về các sản phẩm gỗ, cao su, hạt điều, sắn lát…
Campuchia đang khai thác tiềm năng xuất khẩu gạo, dự báo năm 2010 sẽ thừa khoảng 3,2 triệu tấn lúa. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tính toán việc thu mua lúa gạo Campuchia để chế biến xuất khẩu.
Năm qua, chính phủ hai nước đã đồng ý nâng cấp một số cặp cửa khẩu chính thành cửa khẩu quốc tế; nâng cấp một số đường mòn, lối mở thành cửa khẩu phụ để thuận tiện giao thương đi lại. Hiện toàn tuyến biên giới Việt Nam có 97 chợ biên giới, 6 chợ cửa khẩu, 37 chợ trong khu kinh tế. Chính nhờ phát triển thương mại đã góp phần làm thay đổi diện mạo, đời sống người dân vùng biên giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng khởi sắc.
Theo Bộ Công thương, chính sách thương mại hai nước sẽ cởi mở hơn nhằm phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân biên giới. Mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh tăng trưởng xuất nhập khẩu đạt 27%/năm, phấn đấu năm 2015 đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng của Campuchia đạt khoảng 6%/năm và với năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế nên nhu cầu nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng. Thuận lợi cơ bản là hàng hóa Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Campuchia ủng hộ, tuy nhiên chúng ta vẫn phải cạnh tranh quyết liệt với hàng Trung Quốc, Thái Lan… Do đó, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần chú trọng mẫu mã, bao bì, nhãn mác… phù hợp với người tiêu dùng Campuchia. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập sâu, tạo dựng chỗ đứng vững chắc ở thị trường Campuchia từ việc mở các siêu thị với quy mô thích hợp tại các trung tâm thương mại lớn sau đó nâng dần công suất hoạt động.
Lâu nay nói đến biên giới nhiều người vẫn cho rằng là nơi tập trung buôn lậu mà không quan tâm hết đến tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, từ đó chưa có sự đầu tư thích đáng. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu đến năm 2020”, tuy nhiên tiến độ triển khai còn chậm. Tại Hà Tiên, Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự, Mộc Bài, Mộc Hóa… cần xây dựng những đô thị sầm uất, vừa để phát triển thương mại, du lịch, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng vững chắc. Người dân dọc biên giới sẽ hợp tác làm ăn, tạo mối đoàn kết thân thiện vững bền giữa hai nước.
Phương Uyên