Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới

Chủ đề Đại hội XI kế thừa và phát triển chủ đề của Đại hội X
Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới

Sáng 18-1, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa X, đọc báo cáo về tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu đóng góp cho các văn kiện Đại hội XI của Đảng. Báo SGGP xin giới thiệu một số nội dung chính xung quanh vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đại biểu đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội. Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đại biểu đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội. Ảnh: Việt Dũng

Chủ đề Đại hội XI kế thừa và phát triển chủ đề của Đại hội X

Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, chủ đề đại hội là tư tưởng chỉ đạo định hướng hoạt động của Đảng, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi thời kỳ nhất định. Chủ đề đại hội gồm 4 thành tố, vừa kế thừa, vừa phát triển chủ đề của Đại hội X, vừa thể hiện tập trung, cô đọng nhất mục tiêu, nhiệm vụ, động lực của cách mạng nước ta trong những năm tới.

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là thành tố đầu tiên, có ý nghĩa hết sức quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay. Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên đạt một số kết quả; chú trọng hơn việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở những vùng, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn. Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong những năm tới, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, quyết tâm tạo sự chuyển biến thật sự rõ rệt trên những vấn đề này nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng chưa đầy đủ và vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Trong những năm tới đòi hỏi tiếp tục phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của mọi lĩnh vực hoạt động trong đất nước ta; giải phóng mọi tiềm năng, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế; phát huy sức mạnh của truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và ý chí kiên cường của người Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Đại hội X đã chỉ rõ yêu cầu “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” là đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ nhận thức, tư tưởng đến hoạt động thực tiễn; từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động trong từng bộ phận của hệ thống chính trị; từ hoạt động của cấp trung ương đến hoạt động của địa phương và cơ sở. Công cuộc đổi mới 25 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng đang đòi hỏi phải đổi mới toàn diện hơn nữa. Vì thế, trong 5 năm tới phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Trên cơ sở đó làm nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo

Về vai trò của kinh tế nhà nước, từ Đại hội VIII, Đảng ta đã sử dụng khái niệm “kinh tế nhà nước” (không đồng nghĩa với khái niệm “doanh nghiệp nhà nước”), bao gồm: tài sản công, ngân sách nhà nước, các quỹ của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Nội hàm “chủ đạo” qua nhiều năm đổi mới cũng có sự đổi mới khá cơ bản. Hội nghị Trung ương 3 khóa IX đã xác định: Kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo theo nghĩa “có vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng XHCN, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước”; đồng thời cũng xác định doanh nghiệp nhà nước “giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Thực tế phát triển kinh tế những năm qua, nhất là trong điều kiện khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, càng cho thấy phải khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vai trò quan trọng, làm nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước, gắn với vai trò quản lý và điều tiết nền kinh tế của Nhà nước. Như vậy, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không mâu thuẫn, hạn chế sự phát triển bình đẳng, lâu dài các thành phần kinh tế, mà chính là mở đường, thúc đẩy, tạo điều kiện, tạo động lực cho phát triển mạnh các thành phần kinh tế khác. Đoàn Chủ tịch đề nghị đại hội cho giữ cụm từ “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như dự thảo.

Có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn về quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN, nội hàm của định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta. Có ý kiến cho rằng, vừa xác định các thành phần kinh tế bình đẳng, cùng phát triển lâu dài, vừa xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là mâu thuẫn. Đoàn Chủ tịch xin có ý kiến: Vấn đề quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN, nội hàm của định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta đã được các nhiệm kỳ đại hội, nhất là các khóa VIII, IX và X không ngừng bổ sung, phát triển, làm rõ dần. Đây là một quá trình vừa làm, vừa tìm tòi, đổi mới, hoàn thiện.

Trong Báo cáo chính trị và Chiến lược trình Đại hội XI cũng đã tổng kết lý luận - thực tiễn, bổ sung làm rõ thêm vấn đề này. Trong dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) chỉ nêu những định hướng khái quát nhất. Đoàn Chủ tịch đề nghị đại hội cho giữ như dự thảo. Về chính sách chung đối với các thành phần kinh tế, các nhiệm kỳ đại hội từ Đại hội VI đã không ngừng đổi mới, đặc biệt là từ Đại hội IX đã khẳng định rõ: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”. Những chủ trương đó đã được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đó là một thành tựu to lớn của quá trình đổi mới. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch đề nghị đại hội cho giữ nội dung này như dự thảo.

  • Tập trung vào đường lối phát triển kinh tế

Với quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, BCH Trung ương đã tập trung vào việc triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những vấn đề mới, quan trọng, có tính chiến lược trong đường lối phát triển kinh tế của Đại hội X, chọn đúng vấn đề, đề ra chủ trương giải pháp để giải quyết những vấn đề đặt ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, như các Nghị quyết: “Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”; Nghị quyết “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”; Nghị quyết về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Các nghị quyết của BCH Trung ương về lĩnh vực kinh tế chiếm một tỷ lệ lớn trong những nghị quyết BCH Trung ương đã ban hành trong nhiệm kỳ.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động xấu đến kinh tế nước ta, BCH Trung ương đã bổ sung chương trình làm việc, tổ chức Hội nghị Trung ương 8 để xem xét kế hoạch phát triển kinh tế đất nước năm 2008, điều chỉnh chỉ tiêu, giải pháp để khắc phục khó khăn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. BCH Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về chủ trương, định hướng triển khai một số dự án đầu tư lớn, quan trọng về kinh tế như các dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, Nhà máy thủy điện Lai Châu.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực đạt được trên lĩnh vực kinh tế của đất nước ta trong 5 năm qua. Tuy nhiên, đúng như góp ý của một số đại biểu, kết quả đạt được trên một số lĩnh vực còn hạn chế như việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của kinh tế nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, quản lý đất đai, khắc phục phân hóa giàu nghèo... Những hạn chế, khuyết điểm này đã được thể hiện trong Báo cáo kiểm điểm. Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, đề nghị đại hội giao cho BCH Trung ương khóa XI sắp tới cần lưu ý để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ hơn đối với các lĩnh vực này.

Nói “kết quả hoạt động của một số tập đoàn kinh tế nhà nước còn thấp” là đúng

Một số ý kiến cho rằng, đánh giá về các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước như trong Báo cáo là nặng, chưa công bằng, cần nêu rõ những đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, không nên phủ định sạch trơn. Ý kiến khác lại đề nghị cần nói rõ hơn những khuyết điểm trong việc ưu tiên đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nên dẫn đến nợ công lớn...

Về vấn đề này, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Cần khẳng định rằng, việc củng cố, kiện toàn các tổng công ty nhà nước và thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước là một chủ trương đúng đắn và thực hiện chủ trương này đã đạt được một số kết quả như đánh giá trong Báo cáo chính trị trình đại hội. Trong Báo cáo chính trị và các văn kiện trình Đại hội XI đã khẳng định tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã và đang có sự đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội, xóa đói, giảm nghèo và là công cụ quan trọng để nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế, nhất là trong thời kỳ khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới vừa qua. Khuyết điểm được nêu trong Báo cáo kiểm điểm là ở công tác quản lý hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để “kết quả hoạt động của một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực đầu tư của Nhà nước; có tập đoàn rơi vào tình trạng phá sản, gây tổn thất lớn về kinh tế, làm bức xúc xã hội”. Đánh giá như vậy là đúng mức, phù hợp với thực tế.

Xung quanh một số ý kiến đề nghị xem lại đánh giá “Tình trạng nhập siêu, bội chi ngân sách lớn, kéo dài nhiều năm, nợ nước ngoài của Chính phủ và quốc gia tăng nhanh, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, nguy cơ lạm phát còn cao, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, đầu tư dàn trải, còn nhiều thất thoát, kém hiệu quả”, đồng chí Trương Tấn Sang cho biết, tình trạng nhập siêu, bội chi ngân sách còn lớn, kéo dài nhiều năm... có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan mà trách nhiệm trực tiếp là của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành. Nhưng Bộ Chính trị, với quyền hạn và trách nhiệm của mình theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa X thì Bộ Chính trị cũng có khuyết điểm.

Vẫn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đã tiến hành sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả. Việc đánh giá chính xác thành tựu cũng như hạn chế, khuyết điểm cần phải có thời gian. Vì thế, trong phần đánh giá chỉ nêu những nét tổng quát và trong Báo cáo chính trị đã nêu: “Sớm tổng kết việc thực hiện sáp nhập một số bộ, ban, ngành trung ương để có chủ trương phù hợp”. Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Với phương châm “nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, nói rõ sự thật”, căn cứ vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, Dự thảo đã đánh giá: Trong 5 năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, đạt được một số kết quả tích cực nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém”.

Về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, đa số ý kiến nhất trí với những nội dung nêu trong Báo cáo chính trị, một số ý kiến đề xuất thực hiện việc “nhất thể hóa” trong hệ thống chính trị từ dưới lên. Ngược lại, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, xem xét thận trọng việc “nhất thể hóa” chức danh bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân. Có ý kiến đề nghị bỏ chủ trương thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Về vấn đề này, đồng chí Trương Tấn Sang cho biết, trong nhiệm kỳ Đại hội X, chúng ta đã chỉ đạo làm thí điểm một số vấn đề như “nhất thể hóa” chức danh bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã và cấp huyện; không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Những thí điểm này mới được tiến hành. Cần có tổng kết, trên cơ sở đó mới có thể có quyết định phù hợp. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch đề nghị đại hội cho giữ nội dung như trong Báo cáo chính trị: “Tổng kết việc “nhất thể hóa” một số chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có chủ trương phù hợp”; “Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường”.

Sơn Nghĩa Lưu

Tin cùng chuyên mục