Dạy nghề nông dân cần

Dạy nghề nông dân cần

Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) và Bộ NN-PTNT, sau hơn 1 năm triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng nhiều địa phương trong cả nước đã sáng tạo những mô hình mới, cách làm hay. Nhiều nông dân đã đổi đời sau khi tham gia các lớp dạy nghề, có việc làm mang lại thu nhập cao.

Lớp dạy khâu bóng cho nông dân tại Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Lớp dạy khâu bóng cho nông dân tại Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Tổng cục Dạy nghề vừa thực hiện cuộc khảo sát kết quả sau một năm triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn ở TP Hải Phòng. Hai địa điểm được chọn khảo sát là mô hình nuôi gà trang trại tại quận An Dương và các mô hình trồng nấm, khâu bóng tại gia ở huyện Vĩnh Bảo. Trong đó, Vĩnh Bảo là huyện thuộc vùng sâu, vùng xa của Hải Phòng, giáp biển, quanh năm bà con chỉ quen trồng lúa. Từ khi Chính phủ có đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, hàng ngàn nông dân ở đây đã hăm hở đăng ký học hơn 100 nghề khác nhau.

Theo ông Phạm Ngọc Điệp, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Bảo, có 4 nghề được nhiều bà con hăng hái tham gia nhất là trồng nấm, khâu bóng, dệt chiếu cói và trồng hoa cây cảnh. Thầy giáo Nghiêm Xuân Lý, phụ trách lớp trồng nấm của trung tâm, cũng chia sẻ: “Ban đầu, các lớp dạy cho bà con nông dân mở tại trung tâm, nhưng sau có quá nhiều người tham gia nên chúng tôi đã mở lớp dạy nghề ngay tại xã. Chỉ riêng trồng nấm, hiện đã dạy cho nông dân ở 30 xã”.

Chị Nguyễn Thị Bích, ngoài 40 tuổi, ở xã Thắng Thủy, cho biết chỉ sau 3 tháng học nghề, chị đã tự mở được một trang trại trồng nấm, thu lợi ngay được 6 triệu đồng. Làm ăn lớn nhất là hộ ông Nguyễn Văn Thắng, 64 tuổi, ở thôn Nhân Lễ, xã Vinh Long. Ông Thắng cho biết: “Học nghề xong, tôi đầu tư mở trại nấm trên mảnh đất rộng 120m², mỗi ngày thu hoạch hàng tạ nấm rơm, nấm mỡ với mức thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng. Tạo thêm công ăn việc làm cho 7 - 8 lao động với mức thu nhập 70.000 đồng/ngày, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân trên địa bàn”.

Còn chị Nguyễn Thị Thủy, ở xã Thắng Thủy, cho biết chồng chị chết do nhiễm HIV, cuộc sống khó khăn nhưng nhờ được học trồng nấm, nay chị có thể tự làm và lo nuôi đứa con nhỏ của mình. Chị nói: “Trước kia, rơm rạ ở vùng quê tôi nhiều lắm, gặt xong là đốt bỏ ngay trên đồng. Được học nghề trồng nấm, chúng tôi mới nhận ra rằng rơm rạ cũng có thể biến thành tiền”. Chị kể, bây giờ trong làng, nhà nào cũng có 1 - 3 trang trại trồng nấm, trong đó bên cạnh nấm sò, nấm mỡ, nhiều nhà còn trồng cả nấm linh chi. “Chỉ lo thiếu rơm rạ để ủ nấm, còn “đầu ra” không phải lo vì bao nhiêu nấm cũng không đủ bán” - chị Thủy khoe.

Tổng cục Dạy nghề và Bộ NN-PTNT cho biết, sau 1 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng, cả nước đã mở được 665 lớp dạy nghề cho 21.187 nông dân với 160 nghề được chọn. Theo đánh giá, thái độ học nghề của người dân đã có chuyển biến tích cực nhờ công tác tuyên truyền thực hiện khá đồng bộ từ Trung ương tới tận cơ sở. Song theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, ở nhiều nơi việc triển khai vẫn còn ì ạch, nông dân vẫn chưa có cơ hội được học nghề. Thậm chí có nơi, chủ tịch UBND xã vẫn chưa nắm rõ đề án dạy nghề cho lao động nông thôn triển khai thế nào.

Ông Dũng khẳng định, từ khi có đề án, nhu cầu học nghề của bà con rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là làm sao để dạy đúng nghề cho nông dân. Nhiều nơi, khi tổ chức các lớp dạy nghề theo đề án, địa phương cứ đăng ký đại một nghề nào đó, chẳng hạn như ở tỉnh Điện Biên, trong khi 25 hộ dân của một xã, mỗi hộ vay 50 triệu đồng để nuôi heo thì chủ tịch hội Nông dân lại đăng ký cho bà con học nghề thú y.

Trong khi đó, ở xã nghèo Thanh Phiên thuộc tỉnh Yên Bái, nằm trong Chương trình 135, khi nhắc tới chuyện dạy nghề chăn nuôi cho bà con, Bí thư Đảng ủy xã không hào hứng. Ông bảo: “Ở xã chúng tôi, tre nứa rất nhiều, sao không dạy cho bà con nghề mây tre đan xuất khẩu. Nhiều năm qua, bà con ở đây tự mày mò làm, song hiệu quả chưa cao”. Ngay lập tức, bà con ở xã Thanh Phiên được dạy nghề làm mây tre đan xuất khẩu. Ai cũng mê say, vui sướng. Có đêm, vừa xem xong một bộ phim trên truyền hình là bà con đã đan xong một tấm cót, kiếm được vài chục ngàn đồng.

Còn ở huyện vùng cao Sa Pa (Lào Cai), khi ông giám đốc trung tâm dạy nghề xuống nói chuyện sẽ dạy nghề trồng dưa hấu, thế là bà con kéo nhau đi học, vì dưa hấu ở Sa Pa hợp thổ nhưỡng, lại bán chạy vì có nhiều khu du lịch. Ngoài ra, còn hàng trăm mô hình dạy nghề có hiệu quả khác.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học cũng cho biết, để dạy trúng nhu cầu của nông dân, Bộ NN-PTNT và Bộ LĐTB-XH sẽ tổ chức khảo sát kỹ nhu cầu học nghề của bà con, sau đó phát thẻ học nghề miễn phí, để giúp bà con định hướng làm ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao.

Chiều 15-4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo sơ kết một năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hiện cả nước đã hỗ trợ dạy nghề 345.140 lao động nông thôn, trong đó khoảng 48,6% lao động được học các nghề nông nghiệp và 51,4% học các nghề phi nông nghiệp, 70% số lao động đã tìm được việc làm sau khi học, nhiều lao động có thu nhập cao hơn 1,2 đến hai lần so với trước khi học nghề. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, ban chỉ đạo đề án ở các địa phương phải giúp nông dân chọn đúng nghề cần đào tạo, áp dụng được với thực tế ở địa phương, đảm bảo sau khi học nghề bà con nông dân có thể vận dụng ngay được, làm ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Phó Thủ tướng chỉ đạo từ hội nghị sơ kết, các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ tìm ra những mô hình, phương thức làm thí điểm tốt để triển khai Đề án 1956, đảm bảo mục tiêu mỗi năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn. Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm 2011, Chính phủ sẽ phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng cho việc triển khai đề án. Từ nguồn vốn này, Bộ LĐTB-XH và Bộ NN-PTNT sẽ bố trí kinh phí để thực hiện thí điểm hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho các lao động nông thôn ở hai tỉnh được Bộ NN-PTNT chọn làm thí điểm là Bến Tre và Thanh Hóa, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trong cả nước, xây dựng các trung tâm dạy nghề ở cấp huyện, lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy nghề...

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục