Minh bạch và rút ngắn thời gian
Hiện có 8 QCQLQHKT, TKĐT đã được UBND TPHCM phê duyệt và đang áp dụng thực hiện. Đó là: QCQLQHKT chung TPHCM; QCQLQHKT khu trung tâm 930ha; QCQLQHKT 4 ô phố trước Hội trường Thống Nhất; QCQLQHKT Khu đô thị mới Thủ Thiêm; TKĐT riêng tỷ lệ 1/2000 và xây dựng QCQLQHKT trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (trục đường Phạm Văn Đồng); TKĐT riêng tỷ lệ 1/2000 và xây dựng QCQLQHKT xa lộ Hà Nội; TKĐT riêng tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt; TKĐT riêng tỷ lệ 1/500 trục đường Trường Sơn - Phan Đình Giót - Trần Quốc Hoàn.
Trước khi có QCQLQHKT chung TPHCM, để cấp phép xây dựng cho người dân, các quận, huyện vẫn căn cứ vào quy hoạch phân khu 1/2000 và Quy chế quản lý kiến trúc nhà liên kế. Nội dung nào chưa rõ, các quận, huyện hỏi thêm ý kiến của Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) hoặc Hội đồng QH-KT TPHCM. QCQLQHKT chung ra đời được tích hợp hợp tất cả các quy định trên và các quận huyện căn cứ chủ yếu vào đó để cấp phép xây dựng cho người dân. QCQLQHKT chung TPHCM là những quy định về quản lý và xây dựng mang tính chất phủ kín, toàn diện trên địa bàn thành phố, đó là cách tháo gỡ căn cơ cho việc chấp hành các quy định về cấp phép xây dựng đối với người dân, doanh nghiệp. QCQLQHKT chung TPHCM đi sâu, làm rõ những yêu cầu cơ bản trong xây dựng, đặc biệt là nhóm nhà liên kế - nhóm nhà chiếm đa số ở TPHCM - để tạo sự thống nhất chung cho các công trình, tạo bộ mặt cảnh quan kiến trúc đồng bộ hơn.
Thực tế cũng cho thấy, sau khi QCQLQHKT khu trung tâm 930ha được ban hành, việc cung cấp thông tin QH-KT, quản lý, cấp phép xây dựng trong khu trung tâm hiện hữu TPHCM được thực hiện tuân thủ hoàn toàn theo đồ án và quy chế nêu trên. Việc quản lý xây dựng khu trung tâm hiện hữu TPHCM theo QCQLQHKT cũng đã đem lại các kết quả đáng kể, việc cung cấp thông tin quy hoạch trở nên rất nhanh chóng và rõ ràng. Các công trình tại khu trung tâm đã tuân thủ các chỉ tiêu quy định tại quy chế mà không phải lập thủ tục xin cung cấp chỉ tiêu QH-KT, người dân có thể tự tra cứu chỉ tiêu QH-KT và sử dụng các chỉ tiêu đã quy định trong quy chế để xin cấp phép xây dựng. Bằng việc áp dụng QCQLQHKT tại khu trung tâm hiện hữu, các thông tin quy hoạch được công khai, minh bạch, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về xây dựng được rút ngắn đáng kể. Vì QCQLQHKT cảnh quan tại khu trung tâm đã cụ thể hóa một cách chi tiết các chỉ tiêu QH-KT đến từng lô đất trong khu vực, bao gồm: hệ số sử dụng đất, chiều cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi công trình. Các danh mục công trình đề xuất bảo tồn, các quy định chung về không gian ngầm, quản lý kiến trúc cảnh quan. Đặc biệt là quy định các điều kiện ưu tiên về hệ số sử dụng đất nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển các không gian vì lợi ích cộng đồng.
Hoàn thành 35 đồ án đến năm 2020
Hiện nay, các công trình, nhà ở riêng lẻ chỉ được cấp phép xây dựng khi phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hiện một số khu vực chưa được duyệt quy hoạch chi tiết, chưa có QCQLQHKT hoặc TKĐT thì việc cấp phép xây dựng gặp nhiều khó khăn, mỗi nơi làm một kiểu, chỗ cho, chỗ không gây khó khăn cho người dân. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan đô thị cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép xây dựng trên địa bàn TP, Sở QH-KT TPHCM cho biết, hiện sở đang tiếp tục phối hợp với các quận, huyện thực hiện tiếp 35 QCQLQHKT, TKĐT trong thời gian từ nay đến năm 2020, tập trung các khu vực có động lực phát triển, khu vực dọc các tuyến kênh rạch.
Cụ thể, 13 đồ án đang triển khai thực hiện, đó là: lập QCQLQHKT quốc lộ 1A (đoạn thuộc huyện Bình Chánh) quy mô 9,5km; trục cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (từ đường Mai Chí Thọ đến ranh giới tỉnh Đồng Nai) quy mô 12,51km; khu đô thị dọc các tuyến đường ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn qua quận 6, từ rạch Bến Trâu đến cầu Lò Gốm trên đường Võ Văn Kiệt); dọc các tuyến đường ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn qua quận Tân Phú và quận 11, từ đường Thoại Ngọc Hầu đến rạch Bến Trâu). Lập TKĐT riêng tỷ lệ 1/500 khu vực nút giao thông Mai Chí Thọ - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc phường An Phú, quận 2, quy mô 55,62ha; khu vực nút giao thông đường Vành đai 2 - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc phường Phú Hữu, quận 9, quy mô 145,2781ha; khu vực nút giao thông đường Vành đai 3 - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, phường Long Trường, quận 9, quy mô 64,6523ha; khu vực nút giao thông quốc lộ 1A - Võ Văn Kiệt, huyện Bình Chánh, quy mô 62,70ha; khu vực nút giao thông quốc lộ 1A - Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, quy mô 72,21ha; khu vực xung quanh nhà ga Metro số 6 - ga Phạm Văn Hai, thuộc tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương; khu vực nhà ga Lê Thị Riêng thuộc dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2; khu vực nhà ga Hòa Hưng thuộc dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2; khu vực nhà ga Dân Chủ thuộc dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2.
Có 22 đồ án dự kiến hoàn thành vào năm 2020, đó là: TKĐT riêng tỷ lệ 1/500 khu vực các đường Hàm Nghi, Đồng Khởi, Lê Lợi, quận 1; khu vực ga Tao Đàn (ga trung chuyển) thuộc tuyến Metro số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương); khu vực ga ngã tư Hàng Xanh (ga trung chuyển) thuộc tuyến Metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); khu vực ga cầu Sài Gòn thuộc tuyến Metro số 5, giai đoạn 1; khu vực ga ngã sáu Cộng Hòa thuộc tuyến Metro số 3a (đoạn Bến Thành - Bến xe miền Tây); khu vực ga Hồ Con Rùa (ga trung chuyển) thuộc tuyến Metro số 4 và tuyến số 3b; khu vực ga Thuận Kiều Plaza thuộc tuyến Metro số 3a và Metro số 5; khu vực ga Bảy Hiền (ga trung chuyển) thuộc tuyến Metro số 2 và Metro số 5; khu vực ga ngã tư Phú Nhuận (ga trung chuyển) thuộc tuyến Metro số 5, giai đoạn 1 và Metro số 4 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); QCQLQHKT quốc lộ 1A (xa lộ Đại Hàn, cầu Bình Phước đến ngã tư An Sương); quốc lộ 1A (xa lộ Đại Hàn, đoạn từ cầu Bình Phước đến xa lộ Hà Nội); đường Vành đai 3 (từ sông Trau Trảu đến sông nước Đục); đường Vành đai phía Đông (cầu Phú Mỹ đến ranh tỉnh Bình Dương); quốc lộ 1A (xa lộ Đại Hàn, ngã tư An Sương đến Tân Tạo); trục quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến An Hạ); dọc tuyến Metro số 3b (từ ngã sáu Cộng Hòa đến Hiệp Bình Phước); dọc rạch Xuyên Tâm; dọc tuyến Metro số 3A, từ Bến Thành đến Bình Tân; đường Vành đai 2 (tỉnh lộ 10 đến đường Nguyễn Văn Linh); khu vực ven sông Sài Gòn (từ cầu Tân Thuận đến mũi Đèn Đỏ)…