(SGGPO).- Sáng 24-12 tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, một tiến bộ đáng ghi nhận trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật là việc giảm bớt số lượng văn bản phải ban hành; tiến độ xây dựng, ban hành văn bản được đẩy nhanh hơn, số văn bản nợ đọng giảm mạnh.
“Quán triệt và thực hiện tốt yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi luật, pháp lệnh cần từ 01 đến 04 văn bản quy định chi tiết, giảm 3 lần so với trước tháng 6-2009. Số lượng văn bản nợ đọng cũng ngày càng giảm, đã giải quyết triệt để tình trạng để văn bản tồn đọng từ 3 năm trở lên (trừ Luật năng lượng nguyên tử)”, ông Đam cho biết.
Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong công tác này cũng đã được Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ. Đó là việc chưa giải quyết triệt để và vững chắc tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Tính đến ngày 15-10-2012 còn nợ đọng 24 văn bản quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Đáng lưu ý, Luật Tố cáo, Luật Lưu trữ, Luật Đo lường và Luật Cơ yếu đã có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này còn tới 10 văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được ban hành. Một số bộ ngành do áp lực đảm bảo tiến độ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi dự thảo văn bản còn nhiều bất cập, chưa có đầy đủ ý kiến của các cơ quan phối hợp; có xu hướng mở rộng phạm vi quy định chi tiết cả những luật, pháp lệnh không ủy quyền…
Sau Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đã báo cáo về tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ - Môi trường hỏi đích danh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Tại kỳ họp thứ 4, tôi có chất vấn về tính hợp hiến, hợp pháp cũng như tác động xã hội của Quyết định số 1623 của Thống đốc về quản lý vàng miếng. Thống đốc đã có văn bản trả lời, nhưng chưa nêu rõ vấn đề này. Dư luận cho rằng quyết định nêu trên có lợi cho SJC nhưng gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp khác. Xin hỏi lại: Thống đốc ban hành văn bản này có đúng trình tự thủ tục không hay là “lách luật”?
Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Ngày 23-8-2012, Thống đốc ban hành 1623 nói rất rõ phạm vi điều chỉnh là “tổ chức, quản lý, sản xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Đây là một quyết định thực hiện trong nội bộ, văn bản điều hành thông thường chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật, hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp. SJC được lựa chọn để gia công vàng miếng theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước. Quyết định không yêu cầu các thương hiệu khác phải đổi sang vàng miếng SJC, tuy nhiên, có những người dân mong muốn chuyển đổi vàng miếng thương hiệu khác thành SJC và chấp nhận chi phí gia công (50.000 đồng/lượng)”. Vì thế, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, không có sự thiệt hại nào do văn bản này gây ra.
Chưa hài lòng với giải trình này, bà Trần Thị Quốc Khánh nhận định, đây là văn bản có hiệu lực bắt buộc chung, điều chỉnh quan hệ xã hội rộng rãi chứ không phải nội bộ và đề nghị Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm quyền khác tiếp tục giám sát.
Đại biểu Nguyễn Kim Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thì yêu cầu làm rõ vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp cũng như vai trò phối hợp của các bộ ngành có liên quan khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, sự yếu kém trong xây dựng văn bản pháp luật là một thực tế, trong đó có nguyên nhân quan trọng là nhận thức của cả bộ máy. Một số cấp, ngành, nhất là người đứng đầu, chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Bộ trưởng thừa nhận: “Phối hợp giữa các bộ ngành còn hạn chế, không chỉ trong xây dựng pháp luật mà trong điều hành nói chung”. Giải pháp khắc phục, theo ông là phải rất công khai, minh bạch quá trình xây dựng pháp luật, tránh “cài cắm” những nội dung chỉ có lợi cho quản lý điều hành; đồng thời nâng cao kỷ cương, trách hiệm của người đứng đầu trong công tác này. “Ngay sáng nay, một số đồng chí Bộ trưởng vắng, Thứ trưởng đi họp thay, nhưng tôi đề nghị vẫn để biển tên Bộ trưởng để nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu”, ông Đam nói thêm.
Có thâm niên theo dõi công tác xây dựng pháp luật đã nhiều năm, Đại biểu Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật rành rọt: “Qua thống kê thì thấy so với cách đây 5 năm, số văn bản nợ cũng nhiều tương đương. Luật Các tổ chức tín dụng còn tới 19 nội dung chưa được hướng dẫn, Luật An toàn thực phẩm có tới 33 nội dung chưa được hướng dẫn, Luật Khám chữa bệnh 7 nội dung… Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nghĩ gì về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm ban hành hướng dẫn hay không? Bao giờ xử lý”?
Một vị Phó Chủ nhiệm khác của Ủy ban Pháp luật, ông Lê Minh Thông cho biết, một số quy định gần đây của Chính phủ chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội như việc khai tên cha mẹ trong CMND, phạt xe chính chủ và thu phí bảo trì đường bộ… Những văn bản này cần xử lý thế nào? Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng hỏi: “Thiệt hại của xã hội phát sinh do hướng dẫn chi tiết chậm được ban hành thì đánh giá thế nào? Ai chịu trách nhiệm”?
ANH PHƯƠNG