(SGGPO).- Sáng 31-3, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ NN-PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội nghị chỉ đạo thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).
Theo Bộ NN-PTNT, định hướng chiến lược của dự án là hỗ trợ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê tại hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của nước ta là ĐBSCL và Tây Nguyên.
Dự án VnSAT được thực hiện từ năm 2015-2020 tại 13 tỉnh gồm 5 tỉnh vùng Tây Nguyên và 8 tỉnh vùng ĐBSCL. Thông qua dự án, tới nay đã có tổng số hơn 39.000 hộ nông dân (tương đương 97.000ha) được đào tạo về phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông dân tại Tây Nguyên được thụ hưởng từ dự án VnSAT
Với tổng số vốn tương đương 301 triệu USD, bao gồm 237 triệu USD vốn vay từ Hội Phát triển Quốc tế (IDA, trực thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới), 28 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ, 35 triệu USD từ vốn tư nhân. Trong năm 2016 dự án mới giải ngân được tổng số 97,6 tỷ đồng thông qua các hoạt động khảo sát thực trạng tình hình canh tác lúa gạo và cà phê; đào tạo canh tác bền vững cho nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL; hỗ trợ kỹ thuật đào tạo canh tác cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT, trong năm 2017 cần giải ngân được 445 tỷ đồng để đáp ứng theo nhu cầu của các đơn vị. Trong đó vốn từ Hội Phát triển Quốc tế phân bổ cho 15 ban quản lý thành phần là 120 tỷ đồng (đáp ứng 27% nhu cầu của dự án). Nhiều chuyên gia cho rằng, dự kiến vốn 120 tỷ đồng giao kế hoạch năm 2017 là rất thấp. Theo tiến độ thực hiện, hết quý 2 năm 2017 sẽ giải ngân hết số tiền trên. Việc bổ sung kế hoạch vốn chậm sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện của dự án.
Cũng tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã đóng góp nhiều giải pháp nhằm khơi thông và đẩy nhanh tiến độ của dự án, nhất là các hạng mục về vốn giải ngân của dự án trong thời gian tới.
ĐOÀN KIÊN