Đẩy nhanh tiến độ giải quyết án hành chính

Trong năm 2021, số vụ án hành chính mà Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp ở TPHCM giải quyết được chỉ đạt hơn 25%. Tỷ lệ giải quyết vụ án thấp, lượng án tồn đọng nhiều và nhiều vụ án hành chính kéo dài là những vấn đề tồn tại thời gian qua không chỉ ở TPHCM mà trên cả nước. Vấn đề này cần được nhìn nhận và giải quyết căn cơ.
TAND TPHCM thực hiện đối thoại trực tuyến nhằm tháo điểm nghẽn giải quyết án hành chính. Ảnh: TAND TPHCM
TAND TPHCM thực hiện đối thoại trực tuyến nhằm tháo điểm nghẽn giải quyết án hành chính. Ảnh: TAND TPHCM

Mỏi mòn án hành chính

Giữa tháng 5-2020, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Q. Trước đó, bà Q. khởi kiện yêu cầu tòa án hủy văn bản trả lời đơn do Chủ tịch UBND quận Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức) ban hành. Văn bản này khẳng định hộ bà Q. lấn rạch canh tác, nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 577m2, không đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ về đất. Theo bà Q., phần diện tích trên do gia đình khai hoang, cải tạo, sử dụng ổn định từ trước năm 1990 không ai tranh chấp, không bị cơ quan nhà nước nào nhắc nhở, xử phạt. Và nếu đúng là đất lấn chiếm thì gia đình bà vẫn được bồi thường. Từ ngày khởi kiện đến khi tòa án bác yêu cầu khởi kiện tròn 4 năm ròng - với một nội dung mà theo bà Q. là không quá phức tạp.

Thời gian 4 năm cho một vụ án hành chính tưởng quá dài, nhưng thực tế không phải là dài nếu so với những vụ việc phải xử đi xử lại nhiều lần, qua nhiều cấp xét xử. Như vụ kiện giữa bà Nguyễn Thị Trường (SN 1942) với UBND quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức), kéo dài từ năm 2010 đến nay, qua nhiều lần xét xử chưa có kết quả cuối cùng. Năm 2010, UBND quận 2 ban hành văn bản thu hồi hơn 600m2 đất mà gia đình bà Trường quản lý, sử dụng để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án của Công ty Sơn Kim. Không đồng tình, bà Trường khiếu nại rồi kiện hành chính. Xử sơ thẩm, TAND quận 2 hủy quyết định hành chính do UBND quận 2 ban hành. UBND quận 2 và Công ty Sơn Kim kháng cáo. Bản án phúc thẩm của TAND TPHCM không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Kết quả giám đốc thẩm sau đó hủy bản án phúc thẩm…

Trước diễn đàn Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng đã đến lúc cần tổng kết lại Luật Hành chính và Luật Tố tụng hành chính. Bởi thực tiễn cho thấy, nếu như tất cả các khâu, các cấp đã nỗ lực mà tình hình không được cải thiện thì có thể có điều không hợp lý trong quy định của luật. 

Đánh giá về những tồn tại trong giải quyết án hành chính thời gian qua, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XIV đã chỉ ra: số lượng án hành chính tăng đều theo các năm, tốc độ trung bình 11%/năm. Nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai và là những vụ việc, vụ kiện rất khó vì nhiều lý do khác nhau. Tồn tại trong việc giải quyết án hành chính là tỷ lệ giải quyết thấp, chỉ đạt 39% trong khi yêu cầu của Quốc hội là 60%. 

Tháo điểm nghẽn

Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất dẫn đến án hành chính tồn đọng, kéo dài là do sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết vụ án hành chính. Nhiều phiên tòa phải hoãn do phía người bị kiện vắng mặt. Khi xử vắng mặt, có bản án bất lợi cho chính quyền thì phía chính quyền lại kháng cáo nên vụ án kéo dài. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, rất hiếm khi người bị kiện trong vụ án hành chính trực tiếp tham gia tranh tụng tại tòa. Tới đây, để những người bị kiện này tham gia tích cực hơn, cần có tập huấn, chuẩn bị chu đáo.

Các chuyên gia pháp lý đánh giá, công tác đối thoại đã được quy định trong Luật Tố tụng hành chính, nếu làm tốt thì có thể tạo ra sự đồng thuận giữa 2 bên. Nhiều vụ việc người dân rút đơn khởi kiện sau khi đối thoại. Tuy vậy, thực tế tỷ lệ đối thoại thành không cao. Phía người bị kiện cũng thường vắng mặt tại các phiên đối thoại.

Năm 2021, TAND TPHCM là đơn vị đầu tiên thí điểm phương thức đối thoại trực tuyến, mở ra một phương pháp khả quan trong giải quyết án hành chính. Trong năm, TAND TPHCM đã tiến hành 350 phiên họp trực tuyến, trong đó có 175 phiên họp đối thoại. Mặc dù hầu hết các phiên họp, TAND không tổ chức được đối thoại do đại diện người bị kiện vắng mặt, nhưng việc lập biên bản không tiến hành đối thoại được cũng là căn cứ để đưa vụ án ra xét xử sớm hơn.
Chánh tòa Hành chính TAND TPHCM Trương Thế Trọng cho hay, các bên đều đánh giá cao hình thức đối thoại này, nhất là với các đương sự ở xa như huyện Củ Chi, Cần Giờ hay các tỉnh thành khác. Thông qua đối thoại trực tuyến, một số người khởi kiện đã đồng ý rút đơn và tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. 

Có thể thấy, thiện chí, sự tham gia của người bị kiện đóng vai trò rất quan trọng trong giải quyết vụ án hành chính. Để thúc đẩy sự tham gia này không chỉ là nỗ lực của ngành tòa án, mà cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đối với các cấp chính quyền.

Tin cùng chuyên mục