Theo tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, bắt đầu từ tháng 11 này sở sẽ thí điểm tuyển 100 giáo viên từ Philippines sang dạy tiếng Anh tại một số trường tiểu học, THCS và THPT tại TPHCM.
Ngoài việc đứng lớp, số giáo viên này sẽ tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa, hướng dẫn giáo viên tiếng Anh tại trường về phương pháp giảng dạy mới, nhằm nâng cao khả năng nghe - nói cho giáo viên và học sinh. Mức lương trả cho mỗi giáo viên Philippines là 2.000 USD/tháng, nguồn chi trả do phụ huynh đóng góp (120.000 đồng/tháng). Dư luận đang đón nhận thông tin này với nhiều suy nghĩ khác nhau.
Đầu tư cho giáo viên “nội”, được không?
Nghe thông tin về việc thuê giáo viên Philippines, các giáo viên trong trường chúng tôi đã chú ý bàn luận. Phải khẳng định rằng qua việc thí điểm này cho thấy ngành giáo dục đang có sự chuyển động tích cực, tìm kiếm giải pháp nâng chất lượng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay. Nhìn chung, giáo viên Philippines có lợi thế về tiếng Anh hơn giáo viên trong nước, vấn đề là phương pháp sư phạm như thế nào.
Hiện nay cũng có nhiều trường mời thầy “ngoại” về dạy tiếng Anh, nhưng trong một lớp học có đến gần 50 học sinh, thầy cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, giảng dạy. Theo tôi, để nâng chất lượng dạy tiếng Anh, vấn đề không hoàn toàn thuộc về người thầy, mà còn là chuyện thời khóa biểu, sách giáo khoa… và tất cả những yếu tố này phải đồng bộ. Nếu dạy theo sách giáo khoa thì không gian giảng dạy cũng vậy thôi, mà chưa chắc đã dạy tốt phần ngữ pháp bằng giáo viên trong nước. Còn nếu dạy giáo trình khác, sẽ là giáo trình nào, ai thẩm định?
Về số tiền lương trả cho giáo viên Philippines, liệu có cơ sở nào để khẳng định rằng với mức chi trả như vậy sẽ có thể cải thiện chất lượng giảng dạy. Cũng với số tiền này, nếu để đầu tư cho giáo viên “nội” có được không? Chưa kể khi huy động phụ huynh đóng góp nguồn kinh phí trả lương cho giáo viên “ngoại” vì cho rằng đây là chương trình dạy “chất lượng cao hơn”, thì ai có thể chứng minh điều này? Nói thật, tôi chưa an tâm lắm với cách nhờ “viện binh” này sẽ xoay chuyển, nâng được chất lượng giảng dạy tiếng Anh hiện nay trong nhà trường.
Thầy LÊ HUY LÂM
(Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Tạo hứng thú, sinh khí mới môn tiếng Anh
Tôi nghĩ, học tiếng Anh do có người bản ngữ dạy là tốt, và tôi không nghĩ thầy người Anh, Australia, Mỹ… sẽ hơn thầy Philippines. Đã có một trường đại học mời một thầy nước ngoài có bằng cấp đàng hoàng đến dạy tiếng Anh cho sinh viên, nhưng ông chỉ dạy được vài học kỳ thì bị sinh viên phản ánh chất lượng dạy không ổn, nên buộc trường phải cho ông ta nghỉ.
Do vậy, cũng có người hơi dè dặt với việc thuê thầy ngoại, nhất là thầy Philippines, nhưng thực tế tôi thấy Philippines có chất lượng giáo dục khá tốt, rất hội nhập và có thể rất yên tâm về chất lượng thầy Philippines. Nếu mời thầy người Âu - Mỹ, phải trả lương cao hơn, nhưng với thầy Philippines có thể trả 2.000 USD được.
Nói đi, cũng phải nói lại, ở góc độ người công tác sư phạm trong nước, tôi thấy việc thuê thầy “ngoại” làm các thầy “nội” cảm thấy chạnh lòng. 2.000 USD là mức trả lương khá cao so với giáo viên trong nước, thậm chí nếu chỉ trả lương 1.000 USD thôi, chắc chắn nhiều người trong nước giỏi tiếng Anh cũng sẽ chọn ngành sư phạm và nỗ lực làm tốt việc dạy tiếng Anh. Nhưng nếu trả cho giáo viên tiếng Anh với mức lương cao như vậy, thì các giáo viên các bộ môn khác sẽ phải tủi thân.
Chắc vì bài toán khó như vậy nên phải dùng đến thầy “ngoại” để không ai so bì. Con tôi học tại một trường trung học phổ thông, nhà trường cũng đã mời thầy “ngoại” dạy tiếng Anh, phụ huynh cũng phải đóng thêm một khoản tiền. Rõ ràng từ khi có thầy “ngoại” dạy, con tôi và các bạn có vẻ hứng thú học tập hơn.
Do vậy cũng nên nhìn nhận thực tế nhiều thầy “nội” từng giảng dạy tiếng Anh lâu năm, thậm chí đã đi từng học ở nước ngoài về, nhưng không tạo được khí thế háo hức học tập cho học sinh, trong khi thầy “ngoại” lại làm được. Học ngoại ngữ nhất thiết phải giao tiếp với người bản ngữ để luyện phát âm thật chuẩn và giao tiếp bằng ngoại ngữ thuần thục, do vậy, theo tôi, cũng nên ủng hộ chủ trương của Sở GD-ĐT TPHCM.
Cô VŨ THỊ PHƯƠNG ANH
(Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ chất lượng giáo dục, thuộc Hiệp hội Các trường đại học ngoài công lập)