Một báo cáo vừa được Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố cho thấy 2014 là năm tồi tệ nhất của trẻ em trong lịch sử. Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake nói rằng: “Năm nay là năm hủy hoại hàng triệu trẻ em. Chưa bao giờ lại có nhiều trẻ em bị rơi vào những tình cảnh tàn ác đến như vậy”. Bạo hành nhan nhản khắp nơi trên thế giới đã khiến những đứa trẻ phải hứng chịu những tổn thương về thể xác và tinh thần. Chẳng những trên thế giới, ngay cả ở Việt Nam bạo hành cũng đang là vấn nạn cần phải loại trừ.
Trẻ cần được vui chơi, học hành và sống lành mạnh. Các nguồn phúc lợi xã hội luôn ưu tiên cho trẻ em, từ y tế, giáo dục đến an sinh xã hội. Tuy nhiên trẻ vẫn bị bạo hành ở nhiều nơi. Chẳng những người dưng bạo hành mà ngay cả người thân cũng nhẫn tâm ra tay. Có những người làm cha, làm mẹ nhưng lại đánh đập trẻ không nương tay. Mà nguyên nhân bởi những chuyện vô lý không thể tả: không thuộc bài, tiêu hết tiền, chơi game…, thậm chí trẻ không có tội tình gì, chỉ do người lớn đang có tâm trạng bực bội rồi trút vào con mình.
Để đến lúc đứng trước vành móng ngựa mới tỏ ra sám hối, ăn năn. Những giọt nước mắt hối cải ấy không làm xoa dịu vết thương trong lòng con trẻ. Nỗi lo sợ và đau đớn vì bị bạo hành sẽ ám ảnh trẻ trong suốt cuộc đời.
Cùng với nạn bạo hành, trẻ em còn bị hủy hoại tương lai bởi sự thiếu ý thức của người lớn. Ba mẹ cho con uống bia quá sớm với tâm lý: “Uống bia độ cồn nhẹ không có hại cho sức khỏe”. Hoặc nhiều ông bố cứ hễ bày tiệc nhậu là sai con đi mua rượu đế, thuốc lá. Theo thời gian, đứa trẻ quen dần với những mùi ấy, lén dùng thử rồi sinh nghiện. Trẻ mang thói hư ấy vào trong học đường, kéo những đứa bạn khác cùng dùng và kết quả là cả tập thể học sinh hư hỏng.
Cũng có cha mẹ sợ con ra ngoài xã hội sớm sẽ dễ bị sa ngã nên bắt con phải ru rú trong nhà. Từ suy nghĩ thiển cận đó mà họ mua máy tính, iPad, níu con ở nhà để dễ quản lý hơn. Nhưng họ đã sai lầm, trên mạng có vô vàn “độc tố” hơn cả ngoài đời.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bày tỏ những trăn trở, băn khoăn bởi sự tác động của game online, rượu bia, thuốc lá... ảnh hưởng tới tương lai của trẻ: “Người lớn không bảo vệ thế hệ trẻ, không bảo vệ con em mình thì ai bảo vệ?”.
Thật vậy, để bảo vệ trẻ trước những thói hư tật xấu, dạy trẻ nên người thì chính cha mẹ phải gương mẫu với con. Không thể cứ trông chờ, đùn đẩy hết trách nhiệm cho nhà trường, xã hội. Điều quan trọng là cha mẹ không nên giáo dục con kiểu đánh đập mà phải dạy trẻ bằng lời, bằng cả trái tim.
NGUYỄN THANH VŨ
(quận Tân Phú, TPHCM)