Dạy trực tuyến sẽ là phương thức dạy học chính thức

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, tới đây phương thức dạy học qua Internet, trên truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai, đây không phải là phương thức tình thế mà là phương thức cộng hưởng với dạy học trực tiếp. Làm tốt được việc này không chỉ hỗ trợ giáo viên mà còn rút ngắn thời gian học tập trên lớp của học sinh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị ngày 3-6
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị ngày 3-6

Chiều 3-6, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, dạy học từ xa.

Vừa qua, khi nghỉ học tránh dịch, triển khai dạy học trực tuyến, các tỉnh đều đạt trung bình trên 80% học sinh được tiếp cận với hình thức dạy học từ xa, qua Internet, trên truyền hình, riêng 5 thành phố trực thuộc Trung ương trên 90%. Khảo sát ban đầu sau khi học sinh trở lại trường cũng cho thấy, chất lượng dạy và học từ xa đảm bảo.

Việc dạy học trực tuyến đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra đánh giá và quản trị nhà trường; tăng cường các kỹ năng khai thác và sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên và học sinh; đẩy mạnh sự tham gia của xã hội vào chuyển đổi số cho ngành. Đồng thời, đã giúp rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học, đơn cử như tỉnh Phú Thọ rút ngắn được 4-6 tuần; Nghệ An, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Nguyên 2-4 tuần; Lào cai, Khánh Hòa  3-4 tuần... Do đó, hầu hết các tỉnh thành đảm bảo kết thúc năm học trước ngày 15-7-2020.

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, phương thức này cũng giúp chất lượng giáo dục được đảm bảo; tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh.

Bên cạnh những kết quả ban đầu, việc dạy học từ xa, qua Internet, trên truyền hình cũng còn một số khó khăn, hạn chế về hạ tầng, máy chủ đường truyền, thiết bị kết nối đầu cuối; hạn chế trong tương tác giữa giáo viên và học sinh, nhất là bậc mầm non, phổ thông; học sinh vùng khó khăn chưa có điểu kiện tiếp cận với hình thức dạy học này… Vẫn còn tình trạng học sinh chưa tập trung, nhiều học sinh gặp khó khăn khi trở lại trường; kinh phí trong việc tổ chức xây dựng các chương trình dạy học trên truyền hình còn gặp khó khăn; số kênh sóng của đài truyền hình địa phương hạn chế; một số học sinh không trở lại trường ở miền núi; nề nếp chưa được tốt; học sinh quên kiến thức..

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, học trực tuyến, qua truyền hình vừa qua đã được tổ chức tốt và bước đầu có kết quả tích cực, được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá đạt kết quả bước đầu. Thực tế đó cũng khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong giai đoạn dịch Covid-19 mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho thầy cô, rất nhiều thủ tục hành chính được giảm, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, ngành giáo dục quyết tâm thực hiện tốt, làm bài bản, có căn cứ pháp lý, coi đây là phương thức dạy học chính thức.

“Tới đây phương thức dạy học qua Internet, trên truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai, đây không phải là phương thức tình thế mà là phương thức cộng hưởng với dạy học trực tiếp. Làm tốt được việc này không chỉ hỗ trợ giáo viên mà còn rút ngắn thời gian học tập trên lớp của học sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Song song đó là việc tiếp tục tinh giản chương trình để hướng tới chương trình phổ thông tinh gọn, hiệu quả, vừa rút ngắn thời gian dạy và học nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, thậm chí được nâng lên. Tới đây triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc.

Để bảo đảm an ninh mạng cho việc học trực tuyến, Bộ GD-ĐT sẽ hệ thống phần mềm quản lý dạy và học, bảo đảm an toàn an ninh, bảo mật thông tin, an toàn trong môi trường mạng cho học sinh, giáo viên; từng bước số hóa và phát triển giáo án điện tử; tập huấn, hướng dẫn phương pháp sư phạm dạy trực tuyến, để dạy học trực tuyến trở thành nghề chứ không phải biết cứ đơn giản biết công nghệ là dạy được. Đối với nhà trường, tới đây việc kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp phải được tiếp tục thực hiện, những tiết giờ nào có thể học trực tuyến thì thống nhất để kết hợp; có quy định về chế độ dạy học trực tuyến để giáo viên yên tâm thực hiện; đồng thời có biện pháp nhắc nhở các thầy cô không tham gia vào chuyển đổi số.

Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để áp dụng trong toàn quốc. 

Đối với đại học, tăng cường các hình thức đào tạo từ xa, khuyến khích các trường đại học dạy học trực tuyến và trực tiếp (hiện mới có khoảng 50% số trường quan tâm đến đào tạo trực tuyên, từ xa, số còn lại chưa quan tâm).

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý việc thu học phí đối với phương thức dạy học trực tuyến phải rõ ràng, công khai, minh bạch…

Tin cùng chuyên mục