Theo ngành y tế các tỉnh, thành ĐBSCL, đến thời điểm hiện tại (đầu mùa mưa) bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn biến khá phức tạp: số ca mắc giảm so với cùng kỳ nhưng số ca mắc nặng lại tăng lên. Trong khi đó, ý thức chủ động phòng, chống bệnh của một bộ phận người dân vẫn chưa cao. Điều này không chỉ làm gia tăng gánh nặng chi phí, mà còn khiến công tác phòng chống dịch bệnh không phát huy hiệu quả.
Tại Tiền Giang vừa xảy ra trường hợp một cháu bé bị mắc SXH độ 3 nhưng sau gần 5 ngày bị sốt cao cháu bé này mới được người nhà đưa vào nhập viện BV Đa khoa Tiền Giang cấp cứu. Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có 433 ca mắc bệnh SXH. Riêng huyện Cai Lậy có 132 ca, cao nhất tỉnh. Trong tháng 4-2013, BV Đa khoa Tiền Giang tiếp nhận 18 ca bệnh SXH nằm viện, trong đó có 5 ca SXH nặng.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ, trên địa bàn xảy ra 134 trường hợp mắc bệnh XSH, chưa có trường hợp tử vong. Riêng huyện Thới Lai có 15 ca SXH. Trước tình hình này, Trung tâm Y tế dự phòng đã đến giám sát xử lý ổ dịch nhỏ tại ấp Định Khánh B (xã Định Môn, huyện Thới Lai), nơi vừa xảy ra ca bệnh SXH nặng. Qua kiểm tra cho thấy mật độ muỗi còn nhiều, các dụng cụ chứa nước vẫn còn lăng quăng và thực hiện chưa tốt vệ sinh môi trường xung quanh.
Tại Hậu Giang, trong khi tình hình SXH của tỉnh những tháng đầu năm 2013 giảm so với cùng kỳ thì ở huyện Phụng Hiệp, số ca bệnh này tăng lên đáng kể. Hiện huyện Phụng Hiệp đã ghi nhận 58 trường hợp SXH, tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ. Tương tự, tại Bạc Liêu, mỗi ngày Khoa nhi BV Đa khoa Bạc Liêu tiếp nhận 5 - 6 trường hợp do bệnh SXH. Số ca mắc bệnh SXH thường gặp là ở độ II, độ III, độ IV; lứa tuổi thường mắc bệnh là 5 - 10 tuổi.
Nhiều trường hợp cha mẹ đưa con vào bệnh viện nhưng vẫn không biết con bị bệnh gì. Trước đó, ở nhà, khi thấy con sốt thì đi mua thuốc cho con uống, sau nhiều ngày không thuyên giảm mới đưa vào bệnh viện.
Hàm Luông - Phan Thị - Đất Mũi