ĐBSCL là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng được xác định trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Với những lợi thế về hệ sinh thái đa dạng, sông ngòi, biển, đảo, nhiều khu sinh quyển, vườn quốc gia; nơi chứa đựng nền văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc… Thế nhưng, việc phát triển du lịch ĐBSCL thời gian qua cứ ì ạch, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Thực trạng yếu kém
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong năm qua các tỉnh ĐBSCL đón hơn 9,8 triệu lượt khách nội địa đến tham quan vui chơi, bằng 5,8% tổng lượng khách nội địa cả nước; đồng thời đón 1,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, bằng 8,3% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam; tổng doanh thu từ du lịch đạt 5,1 tỷ đồng, bằng 2,7% tổng thu từ du lịch của cả nước. Một con số quá khiêm tốn về lượng khách lẫn doanh thu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng du khách đến ĐBSCL chưa nhiều là do sản phẩm du lịch trùng lắp, thiếu đầu tư, thiếu sức hấp dẫn và tính cạnh tranh không cao. Nhiều năm qua du khách khi về ĐBSCL cũng chỉ quanh quẩn vào vườn cây ăn trái, nghe đờn ca tài tử, đi vòng quanh sông nước, hay vào các khu bảo tồn thiên nhiên như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Mũi Cà Mau… hoặc du lịch biển Hà Tiên, Phú Quốc…
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn cho rằng, du lịch ở ĐBSCL dù được nói tới nhiều nhưng đến nay vẫn chưa phát triển như mong muốn, các sản phẩm chưa có lối ra, thiếu sự làm mới và không có bước đột phá.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp, yếu điểm của ĐBSCL là lâu nay cứ mãi khai thác du lịch kiểu “hết đi xe thì xuống xuồng” khiến cho du khách dễ nhàm chán. Trong khi các tour mới, tuyến mới thì thiếu đầu tư căn cơ nên không tạo được sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Liên kết, khai thác lợi thế
Đã đến lúc du lịch ĐBSCL cần mạnh dạn đột phá tạo nét riêng để hút du khách. Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch: “Cần xác định đúng sản phẩm du lịch đặc thù của ĐBSCL là gì để đầu tư, khai thác hợp lý. Theo đó, cần đẩy mạnh du lịch trải nghiệm giá trị văn hóa sông nước, nơi có các cù lao Long-Lân-Quy-Phụng; du lịch sinh thái tìm hiểu giá trị cảnh quan, đa dạng sinh học ở Đồng Tháp Mười, U Minh, ven biển Mũi Cà Mau; khai thác giá trị văn hóa phi vật thể về đờn ca tài tử, văn hóa Khmer, chăm; đồng thời tập trung cho du lịch biển đảo với Phú Quốc - Hà Tiên; du lịch tâm linh Bảy Núi; hình thành sản phẩm du lịch mới sông Vàm Cỏ… Việc xác định sản phẩm du lịch đặc thù là căn cứ quan trọng để đầu tư và tăng cường xúc tiến quảng bá”.
Song, việc này cần sự liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, và giữa ĐBSCL với các địa phương khác, đặc biệt là với TPHCM (trung tâm du lịch phía Nam).
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Tháp cho biết: “Tỉnh đang quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, vì vậy đề án phát triển du lịch đã và đang được triển khai quyết liệt với mục tiêu sẽ đón hơn 1,85 triệu lượt khách trong năm 2014 và dự kiến doanh thu từ du lịch đạt khoảng 300 tỷ đồng”.
Theo ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đang tập trung các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho du lịch, đưa Cần Thơ xứng đáng là trung tâm du lịch của ĐBSCL. Tới đây, Cần Thơ sẽ hoàn chỉnh các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí tổng hợp quy mô vùng; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, loại hình ẩm thực, giải trí cuối tuần...
Có thể nói, sau thời gian dài loay hoay với những sản phẩm quen thuộc đến nhàm chán, thì hiện nay nhiều địa phương ở ĐBSCL đang dồn sức cho du lịch. Tuy nhiên, để phát huy được sức mạnh tổng lực rất cần một “nhạc trưởng” điều phối nhằm tránh những trùng lắp lẫn nhau. Vấn đề này các tỉnh đề xuất Bộ VH-TT-DL vào cuộc hỗ trợ tích cực cho ĐBSCL bằng những việc làm cụ thể như đề án, dự án, cơ chế... theo lộ trình rõ ràng, từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu cho cả vùng...
NGUYỄN THANH - AN HÒA