ĐBSCL cần thêm nguồn lực, nhân lực cho chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho biết, khu vực ĐBSCL còn có những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng trong cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Ngày 29-10, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), UBND TP Cần Thơ và Báo Tiền phong tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long”, tại TP Cần Thơ.
Quang cảnh hội thảo

Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số và nhiều doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Khu vực ĐBSCL còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng trong cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Vì thế, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn vùng. Cụ thể, ĐBSCL cần thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, y tế… để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất được cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại hội thảo

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và chuyển đổi số là hoạt động tất yếu cần được ưu tiên triển khai. TP Cần Thơ với vị thế là trung tâm của vùng ĐBSCL, do đó việc đi nhanh, đi trước trong chuyển đổi số của vùng là xu thế tất yếu nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố hiện đã xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số, trong đó xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam nhận định, chuyển đổi số dù được rất quan tâm, nỗ lực từ các địa phương, song quá trình này vô cùng khó và diễn ra chậm. Cụ thể, chúng ta hiện chưa có đạo luật về cơ sở dữ liệu, trong khi dữ liệu là lĩnh vực rất lớn, ai làm chủ được dữ liệu thông tin, người đó sẽ làm chủ về kinh tế và làm chủ thế giới. Hiện Bộ Công an có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, song có nhiều lĩnh vực khác chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia một cách hoàn chỉnh, khoa học.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Quân còn cho rằng, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số còn thiếu, nhất là tại các khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên và Tây Bắc. Do đó, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia chuyển đổi số, tăng mức đầu tư về nguồn lực vật chất và tài chính cho chuyển đổi số.

Tin cùng chuyên mục