(SGGP). – Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực ĐBSCL đạt 10,13%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 32,38 triệu đồng (tương đương 1.556 USD). Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao là Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Long An và Trà Vinh. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng năm 2012 đạt 9,8 tỷ USD, với các mặt hàng chính là gạo, thủy sản, rau quả đông lạnh và may mặc.
Nhờ nỗ lực xóa đói, giảm nghèo các năm qua, ĐBSCL hiện có tỷ lệ hộ nghèo thấp thứ 3/8 vùng cả nước, chỉ cao hơn vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng. Trong vùng, Long An là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (5,76%), kế đến là Cần Thơ (6,62%). Các tỉnh còn tỷ lệ hộ nghèo cao gồm: Sóc Trăng (22,68%), Trà Vinh (20,13%), Hậu Giang (19,4%). Toàn vùng cũng đã giải quyết việc làm cho 394.178 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40,15%.
Năm 2013, các tỉnh ĐBSCL đề ra chỉ tiêu: Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 11 tỷ USD; giải quyết việc làm cho 400.000 lao động…
H.LUÔNG
Bình Dương: Đẩy lùi doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn GTGT
Tại hội nghị về phối hợp đấu tranh phòng, chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế vừa được tổ chức giữa Cục thuế và Công an tỉnh Bình Dương đã đánh giá tình hình vi phạm trốn thuế và mua bán hóa đơn GTGT ngày càng phức tạp ở Bình Dương nhưng đã từng bước đẩy lùi được thực trạng lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Qua 5 năm, các ngành chức năng đã phát hiện xử lý 452 vụ vi phạm và đã truy thu thuế và phạt vi phạm hành chính trên 50 tỷ đồng và thu nợ đọng thuế trên 40 tỷ đồng. Ngoài ra, đã chuyển công an khởi tố 4 vụ mua bán hóa đơn GTGT để chiếm đoạt hàng tỷ đồng hoàn thuế của nhà nước.
C. THỊNH
Đắk Nông: Phạt 7 đơn vị vi phạm trong đầu tư xây dựng trường học
Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông vừa kết thúc đợt thanh tra đầu tư xây dựng cơ bản của Sở GD-ĐT tỉnh; quyết định xử phạt hành chính 7 đơn vị với số tiền 225 triệu đồng vi phạm đầu tư xây dựng trường học.
Trong đó, xử phạt Sở GD-ĐT 40 triệu đồng vì tổ chức thi công sai thiết kế, không giám sát chặt chẽ; giảm trừ giá trị thanh toán hơn 118 triệu đồng đối với công trình Trường dân tộc nội trú huyện Krông Nô; giảm trừ gần 40 triệu đồng tại công trình Phân hiệu 2 - Trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Chư Jút; thu hồi 83 triệu đồng do thanh toán sai khối lượng tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh.
H. SƠN
Đắk Lắk: Chủ đầu tư thủy điện không trồng lại rừng
(SGGP). – Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, vừa cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 28 dự án thủy điện (tổng công suất 981,7MW) được cấp phép đầu tư, trong đó 16 dự án đã đưa vào vận hành, 4 dự án đang xây dựng, 3 dự án đã được thẩm định hồ sơ thiết kế và 5 dự án đang lập hồ sơ thiết kế.
Các dự án thủy điện ở Đắk Lắk đang ảnh hưởng nhiều đến tình hình đất đai và đời sống người dân của tỉnh. Có 7.451 hộ dân/29.879 nhân khẩu bị ảnh hưởng, 529 hộ dân/1.564 nhân khẩu phải di dời, tái định cư, và chiếm tới 10.095ha đất (trong đó có 2.157ha rừng các loại). Tổng diện tích rừng phải trồng lại của các dự án thủy điện là 845,69ha, nhưng đến nay, chủ đầu tư các dự án thủy điện chỉ mới trồng được 63ha.
Nguyên nhân do một số chủ đầu tư không thực hiện cam kết trồng lại rừng và cũng thiếu quỹ đất để trồng bù lại rừng.
C.HOAN