ĐBSCL: Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Những ngày qua, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tại ĐBSCL tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó tỉnh An Giang có số ca mắc nhiều nhất.

(SGGP).– Những ngày qua, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tại ĐBSCL tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó tỉnh An Giang có số ca mắc nhiều nhất.

Hiện tại, An Giang có gần 1.300 ca mắc, tăng hơn 10 lần so với 3 tháng đầu năm. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ số ca tử vong/ca mắc cao nhất nước với 7 ca. Hiện bệnh TCM ở An Giang đang tiếp tục gia tăng, mỗi ngày có 50 - 60 ca mắc phải nhập viện. Theo ông Võ Huy Danh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, bắt đầu từ ngày 15-6 đến ngày 22-6, Trung tâm sẽ ra quân chiến dịch phát xà phòng cục cho các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi kết hợp tuyên truyền nhóm đến các hộ gia đình. Dự kiến đợt này, ngành y tế dự phòng tỉnh An Giang sẽ phát khoảng 1.500 cục xà phòng cho các hộ dân với kinh phí 600 triệu đồng trích từ ngân sách tỉnh.

Tại Cần Thơ, mấy ngày qua, số ca mắc TCM điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cũng tăng mạnh. Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: “Hai tuần gần đây số ca mắc TCM nhập viện bình quân khoảng 50 ca/ngày, tăng khoảng 7% so với trước đó. Bệnh viện đang xuống cấp, chật chội nên xảy ra tình trạng căng thẳng. Để tránh quá tải, chúng tôi vẫn phải tích cực phân loại bệnh, nhẹ thì tư vấn cho điều trị ở nhà, nặng mới cho nhập viện”.

Tại các tỉnh khác như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu… số ca mắc bệnh TCM cũng lên đến hàng ngàn ca. Theo dự báo của ngành y tế các địa phương ĐBSCL, tình hình dịch bệnh TCM sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp đến hết tháng 6, trước khi bước vào đợt cao điểm tiếp theo ở các tháng 9, 10 và 11.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 160 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, cao hơn so với số trường hợp mắc bệnh cả năm 2011 (151 trường hợp). Bệnh sốt xuất huyết ở Hậu Giang thường xảy ra theo đợt, muỗi thường xuất hiện nhiều sau các vụ thu hoạch lúa và vào mùa mưa, nhất là từ tháng 6 đến tháng 10, đây là thời gian cần đẩy mạnh phòng, chống sốt xuất huyết. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Ngành y tế đang tập trung dập dịch tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tránh tình trạng lây lan. Ngoài huyện Hồng Ngự thì thị xã Hồng Ngự, huyện Châu Thành và huyện Tam Nông cũng là các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao trong tỉnh.

Đ.Tuyển - L.Phương

Tin cùng chuyên mục