ĐBSCL: Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Hai trong số ba mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD của Việt Nam đến từ các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn ở trình độ thủ công, phần lớn việc canh tác dựa vào sức người, ít dùng máy móc.
ĐBSCL: Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Hai trong số ba mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD của Việt Nam đến từ các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn ở trình độ thủ công, phần lớn việc canh tác dựa vào sức người, ít dùng máy móc.

Nếu không ứng dụng mạnh KH-CN, năng suất nông nghiệp của vùng khó đạt mức sản xuất của nền nông nghiệp được cơ giới hóa trong khu vực ASEAN. Vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển tiềm lực KH-CN vùng ĐBSCL”, diễn ra chiều 16-10.

PGS-TS Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển vùng ĐBSCL, cho biết: “Sản lượng nhiều, nhưng chất lượng nông sản của vùng thấp hơn mặt bằng các nước nông nghiệp trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Kéo theo giá gạo thấp hơn từ 200 - 500USD/tấn tùy theo loại gạo so với nước bạn. Nông sản sau thu hoạch chỉ được lưu giữ ngắn ngày hoặc xuất khẩu thô do thiếu công nghệ chế biến sau thu hoạch… Một số địa phương còn đưa giải pháp tăng vụ 3 khiến cho đất đai bị bạc màu, phát sinh sâu bệnh”.

Nông dân ĐBSCL tìm hiểu công nghệ tách độc tố cho thực phẩm tại Techmart Cần Thơ 2014.

Những năm gần đây, ĐBSCL bắt đầu đẩy mạnh đưa KH-CN để giải quyết vấn đề khó khăn. Thống kê từ năm 2004 đến nay, vùng có trên 83 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, hàng ngàn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại các đơn vị sở, ngành và doanh nghiệp… Nhưng ngặt nỗi, những kết quả đó ít được ứng dụng rộng rãi. Nghiên cứu nhiều nhưng không đúng trọng tâm, không giải quyết được các nhiệm vụ cấp bách của vùng, của địa phương.

Theo Vụ Phát triển KH-CN địa phương, thuộc Bộ KH-CN, thời gian tới, ĐBSCL còn phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng cao và xâm nhập mặn. Theo kịch bản dự kiến, ĐBSCL sẽ bị ngập từ 12,8% đến 37,8% diện tích, nhiễm mặn tăng thêm 334.000ha đất đai với độ mặn lên tới 4% vào mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác 3 vụ, sản lượng lương thực bị mất đi đáng kể.

Trước nhiều thách thức, các đại biểu cho rằng, vùng ĐBSCL phải lựa chọn các tiềm lực thế mạnh của địa phương để phát triển, trong đó đặt ra hai nhiệm vụ phải thực hiện, đó là: nghiên cứu, ứng dụng KH-CN và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ các công nghệ đó.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đề xuất, để KH-CN đi vào cuộc sống, sản xuất và thực sự là đòn bẩy cho sự phát triển nông nghiệp ĐBSCL thì việc cần thiết nhanh chóng phải xây dựng quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH-CN. Đẩy mạnh Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp; sẵn sàng đặt hàng chính các doanh nghiệp để họ tìm kiếm và chuyển giao công nghệ mới phục vụ nhu cầu của nông dân.

Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nhìn nhận, vì nhiều lý do khác nhau mà không ít các nhà khoa học, nhà trí thức không trụ lâu tại địa phương mời gọi. Nhân lực đã mỏng lại không thu hút được thêm người tài khiến khả năng ứng dụng KH-CN của vùng cũng hạn chế. Vùng ĐBSCL hiện đang sở hữu một tiềm lực to lớn về nghiên cứu KH-CN và đạo tạo với 12 trường đại học, 27 trường cao đẳng và hàng chục trường trung cấp. Bên cạnh đó là các đơn vị nghiên cứu lớn của cả nước như Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL… Từ lợi thế này, ĐBSCL phải đẩy mạnh đào tạo, từng bước nâng cao nguồn nhân lực tại địa phương để họ đủ khả năng chuyển giao và làm chủ các công nghệ mới.

Song song với hội thảo, Triển lãm Techmart Cần Thơ 2014 cũng diễn ra, tập trung giới thiệu, trưng bày các công nghệ và thiết bị (CN&TB) mới phục vụ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến và đóng gói nông sản sau thu hoạch - nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản. Triển lãm thu hút sự tham gia của 25 đơn vị có các CN&TB sẵn sàng chuyển giao phù hợp nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Có hơn 120 CN&TB sẵn sàng cung cấp chuyển giao, trong số đó, có 60 CN&TB tiêu biểu được giới thiệu trực tiếp tại sự kiện.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục