Thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt; cây ăn trái, lúa bị khô hạn, mặn xâm nhập gây thiệt hại nặng nề; nhiều tỉnh, thành trong vùng đã công bố tình hình thiên tai về hạn, mặn. Làm thế nào để ứng phó với thiên tai, sống chung được với hạn, mặn như đã sống chung với lũ, là câu hỏi đặt ra cho các bộ, ngành liên quan và người dân vùng ĐBSCL trước những diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu. |
Hạn hán và mặn xâm nhập gay gắt trong năm nay tiếp tục gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nông dân tại các tỉnh ĐBSCL. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL 2015-2016 là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, 90 năm xảy ra một lần, làm cho hàng chục ngàn hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn.
Bán đảo Cà Mau: Lúa chết, nước cạn khô
Những ngày cuối tháng 2-2016, chúng tôi tìm về Kiên Giang, nơi có diện tích lúa chết nhiều nhất ở vùng ĐBSCL do hạn, mặn gây ra. Dọc các xã Bình Giang, Bình Sơn, Thổ Sơn (huyện Hòn Đất)… đâu đâu cũng thấy người dân chạy đôn chạy đáo tìm cách chống hạn, mặn. Bà Huỳnh Thị Kịp, 53 tuổi, ngụ ấp Kênh 4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tâm sự: “Gia đình tôi về vùng này lập nghiệp gần 30 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh hạn, mặn hoành hành dữ dội như năm nay. Vụ lúa đông xuân này, gia đình tôi canh tác 8ha và cùng nhiều hộ khác đồng loạt bơm nước từ Kênh 4 vào ruộng. Không ngờ kênh đã bị nước mặn xâm nhập quá nhiều khiến lúa khô héo, chết dần gây thiệt hại nặng”. Chỉ sau 2 tuần bị nhiễm mặn, 8ha lúa của bà Kịp bị thiệt hại trên 70%, mất trắng gần 150 triệu đồng chi phí đầu tư.
Kéo tay chúng tôi ra cánh đồng lúa, ông Danh Giang, canh tác 1ha lúa ở ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, nói trong cay đắng: “Nước mặn bất ngờ xâm nhập quá sâu nhưng nông dân không ai hay biết. Do đó, hộ nào bơm nước lên ruộng thì lúa đều bị chết sạch, thiệt hại vô kể. Bình quân nông dân mắt trắng 20-30 triệu đồng/ha”. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang Nguyễn Văn Phát cho biết: “Thống kê mới nhất đến thời điểm này đã có gần 1.000ha lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Chủ yếu là đợt nước mặn lên cao vào đầu tháng 2-2016 (giáp Tết Bính Thân) và theo các đường cống rò rỉ tràn vào ruộng. Một phần do nông dân và chính quyền không biết nước mặn cao như vậy nên không kịp ứng phó. Hiện tại tình hình hạn mặn đang gay gắt, UBND xã lo ngại thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng cao”.
Tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), lúa chết do hạn, mặn cũng rất lớn. Theo UBND xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, vụ lúa mùa 2015-2016, nông dân trong xã xuống giống hơn 950ha, khi lúa vừa hơn 1 tháng tuổi thì bị ảnh hưởng nắng nóng gay gắt, xâm nhập mặn tấn công dữ dội khiến lúa chết tràn lan. Có hộ gieo sạ lại lần thứ 2, thứ 3… nhưng lúa vẫn không thể sống được bởi xung quanh toàn nước mặn bao vây. Tại các huyện An Minh, An Biên, Gò Quao và U Minh Thượng, hàng loạt diện tích lúa mùa cũng đang bị nước mặn vây kín khiến lúa chết khô cứ tăng dần. Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện An Biên cho biết, khoảng 7.600ha lúa mùa đã xuống giống hơn 1 tháng tuổi bị thiệt hại tràn lan do không chủ động được nguồn nước ngọt.
Nông dân Kiên Giang khốn khổ vì lúa chết khô. Ảnh: HUỲNH LỢI
Giáp ranh với Kiên Giang là Cà Mau, địa phương có 3 mặt giáp biển nên chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn. Cuối tuần qua, chúng tôi về vùng ngọt hóa chuyên sản xuất nông nghiệp của huyện Trần Văn Thời và đập vào mắt là nhiều cánh đồng khô nứt nẻ, lúa chết đứng do thiếu nước. Đi dọc theo kênh Đường Ranh (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời), thấy nước trong kênh chỉ còn chừng vài ba tấc, nhiều xuồng ghe của dân mắc cạn dưới kênh. Gặp chúng tôi khi đang bơm nước còn lại ít ỏi dưới kênh vào ao cá giống, anh Dương Hoàng Lil (ấp 19-5, xã Khánh Bình) than: “Năm nay, nắng hạn đến sớm quá! Khác với mọi năm, vào mùa này ghe chở lúa còn có thể đi lại dễ dàng dưới kênh nhưng năm nay thì thua. Tôi tranh thủ bơm lượng nước còn dưới kênh vào cứu ao cá, chứ không chừng nửa tháng sau sẽ chẳng còn giọt nào”. Cũng từ kênh Đường Ranh, khi chúng tôi đi sâu vào trong, đến ngã ba thì gặp một nhánh kênh rẽ đã cạn trơ đáy, người dân có thể đi bộ qua kênh mà không bị lún.
Trong khi đó, tại Bạc Liêu, nước ngọt trong ruộng lúa đông - xuân đã cạn kiệt, còn nước mặn khắp nơi tràn về bủa vây. Lão nông Nguyễn Văn Kỳ ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, cho biết hơn 1ha lúa của ông đang “khát” nước ngọt, trong khi bên ngoài cống đập phân ranh mặn - ngọt, nước mặn tràn về đã cao gần 1m so với bên trong ruộng lúa. Trong khi đó, nguồn nước ngọt từ sông Hậu chảy về qua trục Quản Lộ - Phụng Hiệp cũng đang giảm mạnh và chuyện thiếu nước ngọt trầm trọng cuối vụ lúa là điều không tránh khỏi. Cái khó của Bạc Liêu ở chỗ: Nếu hạn chế điều tiết nước mặn sẽ xảy ra nguy cơ thiếu nước mặn cho 67.000ha nuôi tôm ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất, nhất là khu vực thị xã Giá Rai. Còn điều tiết đủ nước mặn nuôi tôm thì ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa của Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Nhiều cánh đồng ở Cà Mau khô héo vì hạn mặn. Ảnh: NGỌC CHÁNH
Tình trạng khô hạn, mặn xâm nhập sâu gây ảnh hưởng nặng nề đến năng suất lúa và đe dọa hàng trăm hécta mía đang rất cần nguồn nước ở Sóc Trăng. Sóc Trăng đã có trên 10.000ha lúa bị thiệt hại, 689ha mất trắng, hơn 1.800ha thiệt hại từ 30% - 70%. Đang vào cao điểm mùa khô hạn, độ mặn tiếp tục tăng cao nên việc bảo vệ cây trồng trở nên cấp bách.
Hạ lưu sông Tiền: Nước mặn bao vây
Vừa qua, Vĩnh Long phải hứng chịu đợt xâm nhập với độ mặn cao nhất tại cống Nàng Âm - Vũng Liêm đo được lên đến 9,6‰. Nước mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh, đến nỗi không thể nấu ăn hay pha trà, chuyện chưa từng xảy ra ở nơi mà trước nay không phải lo thiếu nước ngọt. Báo cáo của phòng NN-PTNT các huyện Vũng Liêm, Măng Thít, Trà Ôn, nước mặn xâm nhập sâu gây hại nhiều diện tích lúa. Do đó, một số địa phương phải đóng cống để giữ ngọt. Tuy nhiên, việc đóng cống ngăn mặn lại gây thiếu nước, nhiều khả năng sẽ làm giảm năng suất lúa.
Tại Bến Tre, tỉnh “cù lao” bị nước mặn bao vây tứ bề, hàng ngàn hécta lúa đông xuân ở huyện Ba Tri và các huyện khác đang khô héo vì thiếu nước tưới. Người dân ở đây cho biết, mỗi ngày hạn, mặn càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Diện tích lúa trên đồng coi như mất trắng, người dân chỉ còn biết nhìn cây lúa khô héo từng ngày. Ngao ngán, chỉ tay về hướng 2.000m2 lúa của mình, ông Nguyễn Văn Lâm, ngụ ấp An Nhơn (xã Vĩnh An, huyện Ba Tri), nói: “Nền đất nứt nẻ từ lâu, cây lúa khô khốc như bị cháy. Những ngày qua, tôi chỉ biết đứng nhìn những đồng vốn của mình bỏ trên đồng… bốc hơi đi”. Cũng theo ông Lâm, do không hy vọng cứu vãn vụ lúa nên ngày nào ông cũng ra đồng cắt dần số lúa đang trổ đòng về cho bò ăn.
Nằm bên bờ Bắc sông Tiền, giáp biển và ở cuối nguồn sông Mê Kông, Tiền Giang có 32km bờ biển, nằm kẹp giữa các cửa sông lớn Soài Rạp của sông Vàm Cỏ, cửa Tiểu và cửa Đại của sông Tiền. Với địa thế như trên, hàng năm vào mùa khô, hơn phân nửa diện tích của tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp xâm nhập mặn (diện tích tự nhiên 250.865ha, trong đó có 178.789ha đất nông nghiệp). Chỉ tính diện tích vụ lúa đông xuân 2015-2016, toàn tỉnh xuống giống được 74.134ha; trong số này, diện tích thuộc dự án ngọt hóa Gò Công (vùng giáp biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn) chiếm khoảng 30.000ha. Năm nay, mặn xuất hiện sớm, độ mặn cao và lấn sâu vào nội đồng nhanh hơn so với trước đây nên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành các cống lấy nước phục vụ sản xuất lúa ở vùng này. Như tại cống Vàm Giồng, độ mặn tới 2‰ xuất hiện sớm nên buộc phải đóng cống ngăn mặn sớm hơn 20 ngày so với cùng kỳ. Còn tại cống Xuân Hòa, độ mặn cũng không dưới 1,5‰ nên phải đóng cống sớm hơn 2 tháng và chuyển sang chế độ lấy gạn (lấy không ổn định) sớm hơn so với dự báo ban đầu khoảng 40 ngày.
Nhiều dòng kênh ở Cà Mau cạn khô nước, có thể đi bộ dưới lòng kênh. Ảnh: NGỌC CHÁNH
Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, cho biết: Hiện nay phần lớn diện tích lúa ở khu vực này đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trổ bông. Nếu sau ngày 5-3 mà nguồn nước tưới không được cải thiện thì sẽ có 7.000ha bị thiếu nước. Sau ngày 15-3, nước tưới cạn kiệt thì Tiền Giang sẽ mất 2.000ha (hiện đã có 1.000ha bị thiệt hại). Trước diễn biến gay gắt của hạn, mặn nên ngay từ những ngày đầu năm 2016, tỉnh đã có chủ trương tổ chức bơm chuyền (bơm 2 cấp) và hỗ trợ kinh phí (1,6 tỷ đồng) cho 4 huyện vùng này mua máy bơm phục vụ chống hạn. Đồng thời, xây dựng các trạm bơm dã chiến để bơm nước ngọt bổ sung cho vùng ngọt hóa Gò Công. Các địa phương đang tích cực tổ chức huy động đủ lượng máy bơm để bơm chuyền 2 cấp, bơm trữ nước trên ruộng, ao đầm, trên kênh...
Tại Long An, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, thông báo: Hiện độ mặn 4‰ đã vào sâu bên trong 80km trên sông Vàm Cỏ Đông, 70km trên sông Vàm Cỏ Tây. Còn độ mặn 1‰ xâm nhập 105km trên sông Vàm Cỏ Đông, 115km trên sông Vàm Cỏ Tây. Trước tình trạng này, tỉnh đã công bố tình trạng thiên tai ở các huyện phía Nam, gồm: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa và TP Tân An. Qua khảo sát thực tế, toàn tỉnh có gần 3.500ha lúa bị ảnh hưởng của hạn, mặn làm giảm năng suất và gần 11.000ha lúa ở các huyện Thủ Thừa (4.256ha), Tân Trụ (trên 5.000ha), Bến Lức (1.000ha)… thiếu nước tưới.
“Từ cuối tháng 2, nước mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4‰ có thể xâm nhập sâu 50 - 70km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng 5-2016. Nước mặn không chỉ gây thiệt hại lớn cho sản xuất mà đời sống người dân cũng vô cùng khó khăn…”, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết. |
NHÓM PHÓNG VIÊN