ĐBSCL: Lũ lên nhanh đe dọa vụ lúa thu đông

(SGGP).- Ngày 28-8, Trung tâm khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết, do ảnh hưởng triều cường kết hợp mưa lớn nên mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang lên rất nhanh.

Mực nước đo được ngày 27-8 trên sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 3,83m (chỉ còn cách mức báo động 2, 17cm), trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,15m (vượt 15cm so với báo động 1). Ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn An Giang nhận định trong vài ngày tới, lũ tiếp tục lên 3 - 5cm/ngày và đạt mức báo động 2.

Trước tình hình trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo PCLB trung ương vừa có công văn gửi Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN 8 tỉnh, TP khu vực ĐBSCL yêu cầu, cần theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời diễn biến tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động phòng tránh. Đồng thời, rà soát các hộ dân hiện đang sinh sống trong vùng trũng, thấp, ngoài đê bao, bờ bao có nguy cơ bị ngập lũ để có phương án di dời; đảm bảo an toàn cho học sinh đi học và trẻ em trong mùa lũ; tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng bảo vệ các khu dân cư và sản xuất; chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ diện tích lúa hè thu muộn, lúa thu đông, hoa màu và cây ăn trái; rà soát, kiểm tra việc đảm bảo phương tiện, lực lượng tại chỗ, sẵn sàng triển khai cứu hộ, cứu nạn ở những vị trí xung yếu, các khu vực nước lũ chảy xiết, ứng cứu kịp thời cho người và tài sản…

Hiện tại, nông dân vùng ĐBSCL đang tập trung xuống giống vụ lúa thu đông với diện tích khoảng 600.000 ha, tăng 100.000 ha so với năm 2010. Nước lũ lên nhanh đang đe dọa hàng ngàn hécta lúa mới xuống giống ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ... Nguy cơ thiệt hại nặng nhất là tỉnh Đồng Tháp, nông dân đã xuống giống hơn 90.000 ha ngay trong thời điểm nước lên nhanh. Riêng huyện Châu Thành, có gần 5.000 ha lúa thu đông không có đê bao vững chắc nên khả năng thiệt hại do lũ rất lớn.

B.Đại - Đ.Tuyển

Tin cùng chuyên mục