ĐBSCL: Nỗi lo nguồn nước

Trong khi lúa, mía, cây ăn trái chết khô vì nhiễm mặn, người dân ĐBSCL còn thêm nỗi lo thiếu nước ngọt sử dụng trong gia đình. Nhiều nguồn nước được tận dụng, kể cả nước ô nhiễm; giá nước ngọt nhiều nơi đang nhích lên từng ngày. Bài toán nước ngọt cho sinh hoạt và đời sống cho người dân vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL vô cùng nan giải!
ĐBSCL: Nỗi lo nguồn nước

Trong khi lúa, mía, cây ăn trái chết khô vì nhiễm mặn, người dân ĐBSCL còn thêm nỗi lo thiếu nước ngọt sử dụng trong gia đình. Nhiều nguồn nước được tận dụng, kể cả nước ô nhiễm; giá nước ngọt nhiều nơi đang nhích lên từng ngày. Bài toán nước ngọt cho sinh hoạt và đời sống cho người dân vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL vô cùng nan giải!

Thiếu nước ngọt khắp nơi

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, vào mùa khô, nhiều xã thuộc các huyện An Minh, An Biên, Kiên Hải, Hòn Đất, thị xã Hà Tiên… thiếu nước ngọt trầm trọng, gay gắt nhất là các xã đảo huyện Kiên Hải. Người dân phải bỏ ra 150.000 - 200.000 đồng mới mua được 1m3 (1.000 lít) nước ngọt. Theo Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, tại các huyện An Minh và An Biên, Kiên Hải… nhiều hộ dân đã bắt đầu thiếu nước ngọt sử dụng. Bà Nguyễn Thị Linh, ở xã Nam Du (huyện Kiên Hải), tâm sự: “Mùa khô năm nào xã đảo này cũng thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhưng năm nay căng thẳng hơn cả; bởi mưa dứt sớm, hạn gay gắt và kéo dài nên người dân dù có dự trữ vẫn không đủ nước sử dụng lâu ngày được. Hiện nước ngọt ở đây đã là 150.000 đồng/m3 nên nhà nào cũng tiết kiệm tối đa”. Tại xã An Sơn (huyện Kiên Hải) các hồ chứa trên đảo đều khô nước từ lâu, nhiều dụng cụ chứa nước trong nhà dân cũng đang cạn dần… Theo ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, nếu tình trạng nắng gay gắt tiếp diễn và giá cả nước sinh hoạt tăng nữa, Sở NN-PTNT sẽ xin ý kiến UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để tàu, ghe chở nước ngọt đến các xã đảo bán cho bà con với giá rẻ hơn”.

Tại Hậu Giang, kết quả quan trắc của ngành chuyên môn cho thấy, độ mặn tại cống Ba Cô, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ ở mức 11‰; ngã ba sông Nước Trong, xã Hỏa Tiến và TP Vị Thanh là 12‰. Nếu so với các năm trước, độ mặn 12‰ chỉ xuất hiện vào tháng 4, nhưng năm nay mới bước vào tháng 2, độ mặn đã tăng cao bất thường. Điều này, báo hiệu xâm nhập mặn sẽ gay gắt hơn vào tháng 3 và tháng 4 tới. Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết: Nếu hạn, mặn tiếp tục diễn biến như dự báo thì các nhà máy nước trong tỉnh sẽ thiếu lượng nước ngọt phục vụ sinh hoạt khoảng 16.000m3 nước/ngày đêm; trong đó, Nhà máy nước TP Vị Thanh thiếu 6.000m3 nước/ngày đêm. Tỉnh Hậu Giang đã quyết định đầu tư 20 tỷ đồng để tiến hành khoan thăm dò 8 mũi khoan tại các địa phương nhằm tìm thêm nguồn nước ngọt cho người dân sinh hoạt.        

Nhiều giải pháp cung cấp nước sạch    

Hạn hán kèm mặn xâm nhập thời gian qua đã khiến nhu cầu nước sinh hoạt của người dân gặp khó. Nhiều nơi ở Vĩnh Long, Trà Vinh, người dân phải chắt chiu từng ca nước ngọt. Tại Tiền Giang, theo ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, nguồn nước sinh hoạt cho người dân ở các huyện phía Đông đang thiếu nghiêm trọng. Như tại khu vực huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công hiện còn 6.995 hộ với khoảng 34.975 người sống ven biển, ven sông Cửa Tiểu, ngoài đê… đang phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ sông, kênh, rạch đã bị nhiễm mặn. Tỉnh đã kịp thời lắp đặt 61 vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước cho khu vực này để người dân trên đến lấy nước miễn phí.

Trên địa bàn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có 4 ao chứa 356.780m3 nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho khoảng 43.000 dân. Do mặn xuất hiện sớm nên việc bơm nước bổ sung vào các ao (Phú Đông, Phú Thạnh, Tân Thới) đã ngưng từ đầu năm 2016. Hiện tại, thể tích nước hữu ích trong các ao chứa còn khoảng 144,790m3, duy trì cấp nước được khoảng 40 ngày. Nếu sử dụng hết nguồn nước này, tỉnh sẽ thuê sà lan vận chuyển nước ngọt cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu nước.

Người dân huyện Bình Đại (Bến Tre) đổi nước ngọt sử dụng. Ảnh: HUỲNH LỢI

Tại Bến Tre, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân ở trung tâm TP Bến Tre và hầu hết các huyện trong tỉnh. Theo ông Huỳnh Kim Mười, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre, hiện trung tâm đang quản lý 42 nhà máy nước với công suất 1.300m3/giờ, phục vụ cho trên 54.000 hộ dân. Hơn một tháng qua, gần như 100% nhà máy đều bị nhiễm mặn do sử dụng nước từ kênh, mương chứ không có nhà máy nào sử dụng nước ngầm. Toàn tỉnh cũng có 28 nhà máy nước của tư nhân nhưng chỉ 6 nhà máy sử dụng nước ngầm, điều này đang khiến hàng chục ngàn hộ dân điêu đứng do không chủ động dự trữ nước ngọt.

Hạn, mặn cũng làm cho sinh hoạt của người dân huyện Ba Tri bị đảo lộn. Thay vì bơm nước giếng hoặc lấy nước sông lóng phèn thì người dân nơi đây phải đổi nước với khoảng 100.000 đồng/m3 (giá cao hoặc thấp hơn còn tùy thuộc đoạn đường vận chuyển). Nhiều hộ dân cho biết, tình trạng đổi nước sinh hoạt diễn ra sớm hơn các năm trước 2 tháng và có khả năng kéo dài khi không có mưa, khiến kinh tế gia đình trở nên vô cùng khó khăn. Huyện Bình Đại cũng lâm vào cảnh tương tự.

Để đáp ứng nhu cầu nước ngọt cho người dân, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã khẩn trương tổ chức vận hành các nhà máy nước hiệu quả hơn, ổn định cấp đủ nước cho người dân sử dụng, tăng cường mở rộng tuyến ống đối với các nhà máy còn công suất hoạt động. Điều chỉnh thời gian bơm vận hành cấp nước của Nhà máy Phú Khánh, huyện Thạnh Phú lên 4 ngày/tuần bằng hệ thống lọc sử dụng công nghệ RO nhằm cung cấp đủ nước cho người dân khu vực. Nhà máy nước ngọt Ba Lai tại Bình Đại cũng vận hành bơm cấp ổn định 24/24 giờ các ngày trong tuần. Trung tâm cũng đang khẩn trương hoàn thành 3 điểm cấp nước tập trung ở Thới Thuận, Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Thi công tuyến ống dài 3,5km để lập điểm cấp nước cho các xã Bình Thắng, Thừa Đức. Hoàn thành lắp đặt 4 điểm cấp nước tập trung tại Thạnh Phong, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú),  và hiện đã bàn giao cho địa phương quản lý…

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết, trong tình thế bức bách về nước ngọt, giải pháp chính là dùng sà lan chở nước ngọt trên sông Tiền về cung cấp cho các bệnh viện, nhà máy sản xuất thực phẩm và các khách sạn lớn trên địa bàn…

Năm nay nước mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh Hậu Giang không còn theo quy luật các năm trước là đi theo hướng biển Tây từ Kiên Giang qua mà còn xâm nhập từ hai hướng khác là từ cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào kênh xáng Cái Côn và theo hướng kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Theo nhận định, vào những ngày tới, nồng độ mặn sẽ tiếp tục tăng khi tình trạng nắng nóng kéo dài cộng với mực nước trên sông Mê Kông đang xuống thấp kỷ lục, thêm vào đó là gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đẩy nước mặn từ biển Đông và biển Tây lấn sâu vào nội đồng, lúc đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người

NHÓM PHÓNG VIÊN

>> ĐBSCL khốn đốn vì hạn, mặn

Tin cùng chuyên mục