ĐBSCL: Nóng bỏng trước vụ mía mới

Các tỉnh ĐBSCL chuẩn bị bước vào niên vụ mía mới năm 2012- 2013, trong tâm trạng lo âu khi giá đường trên thị trường đang thấp, lượng tồn kho cao, gây áp lực lớn cho các nhà máy.

Các tỉnh ĐBSCL chuẩn bị bước vào niên vụ mía mới năm 2012- 2013, trong tâm trạng lo âu khi giá đường trên thị trường đang thấp, lượng tồn kho cao, gây áp lực lớn cho các nhà máy.

Trong khi đó hàng loạt hộ dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), Mỹ Tú (Sóc Trăng)… lo ngại không rõ các nhà máy đường có chịu hoạt động sớm để tiêu thụ mía chạy lũ? Chiều 23-7, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã họp với lãnh đạo 10 nhà máy đường ở ĐBSCL bàn giải pháp cho vụ mía mới.

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) là nơi thu hoạch mía sớm nhất ở ĐBSCL. Hiện nhiều nông dân ở Phụng Hiệp vẫn còn tức tưởi vì mía chết do nước lũ hồi năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà máy đường vào vụ trễ, trong khi lũ lớn và về sớm, làm hàng trăm hécta mía chết, thiệt hại hàng tỷ đồng. “Năng suất mía bình quân 110 tấn/ha nhưng năm rồi chỉ đạt 105 tấn/ha. Nguyên nhân chủ yếu do khoảng 4.000ha mía bị nước lũ làm chết, giảm năng suất” - ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, bức xúc.

Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay tỉnh đầu tư 153 tỷ đồng làm đê bao bảo vệ khoảng 5.000ha mía, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến nay đê bao vẫn chưa xong, hàng ngàn hécta mía tới đây tiếp tục bị lũ đe dọa. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, thông báo: “Theo khảo sát mới nhất, toàn huyện Phụng Hiệp có gần 9.000ha, tương đương 800.000 tấn mía cần thu hoạch chạy lũ. Cái khó là năm ngoái lũ lớn nhưng rút chậm làm cho tiến độ xuống giống của người dân bị trễ. Hiện giờ đa phần vùng mía sớm chỉ mới có 7 - 8 tháng tuổi nên chữ đường còn thấp; trong khi dự báo năm nay lũ về sớm và có khả năng trên báo động cấp 3, đây là vấn đề rất khó cho nông dân và nhà máy”.

Bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát, cho biết đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho vụ mới đã sẵn sàng. Theo kế hoạch ngày 10-8, công ty chính thức vào vụ, dự kiến trong 20 ngày cuối của tháng 8 sẽ ép 40.000 tấn mía và sang tháng 9 ép thêm 90.000 tấn mía, nhằm giảm áp lực mía chạy lũ cho dân Phụng Hiệp. Tuy nhiên, ý kiến “chạy” lũ sớm của bà Quy không được các nhà máy khác đồng tình.

Ông Lê Văn Hiệu, Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam, phản ứng: “Vào vụ tháng 8 là quá sớm và phải mua mía còn non thì rất uổng phí. Hiện tại, nhiều thương lái đã về vùng Cà Mau “canh me” mua mía, nếu các nhà máy không có sự phối hợp chặt thì thương lái sẽ “phỗng tay trên” vùng mía nguyên liệu do công ty đầu tư. Điều này rất khó chấp nhận. Vì vậy, tốt nhất là đầu tháng 9 mới vào vụ”.

Ủng hộ việc này, ông Cổ Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng, phân tích: “Hiện tại các nhà máy còn tồn trên 250.000 tấn đường của vụ trước chưa bán được, trong khi 70.000 tấn đường chuẩn bị nhập khẩu vào cuối tháng 7 này theo cam kết WTO; nâng tổng lượng đường hơn 320.000 tấn. Hiện tại giá đường xuống mức thấp chỉ còn 16.300 - 16.500 đồng/kg nhưng bán rất chậm, không ai mua. Vì vậy phải 3 tháng nữa chưa chắc giải quyết hết lượng đường tồn kho. Trong khi đó, các vùng mía sớm ở Hậu Giang và Sóc Trăng còn non, chỉ mới 6 - 7 chữ đường trở lại. Nếu chúng ta vào vụ sớm trong điều kiện mía non, giá đường thấp, lượng tồn kho dư thừa… sẽ rất bất lợi”.

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ NN-PTNT vừa chỉ đạo các nhà máy không được chạy mía non, mà phải đạt 9 chữ đường trở lên mới ép, nhằm tránh mất chữ đường, năng suất, sản lượng… gây thiệt hại cho cả nông dân và nhà máy. Ngoài ra, nếu vào vụ sớm khi mía còn non, không chỉ huyện Phụng Hiệp mà các vùng khác cũng có nguy cơ đốn mía non tràn lan, bởi khi 10 nhà máy đồng loạt hoạt động thì không đủ mía 9 hoặc 10 chữ đường để cung cấp.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đề nghị nên chờ Sở NN-PTNT Hậu Giang lấy mẫu mía và sẽ họp vào cuối tháng 7 này mới quyết định chính thức ngày nào vào vụ. Quan điểm của hiệp hội là không để mía vùng lũ ở Hậu Giang, Sóc Trăng… bị ảnh hưởng của lũ gây thiệt hại. Vấn đề là phải khảo sát lại khi chất lượng mía đảm bảo mới vào vụ, nhằm nâng giá mua mía cho nông dân phải từ 1.000 đồng/kg trở lên, đảm bảo có lời. 

ĐBSCL là vùng sản xuất mía sớm nhất cả nước, giá mía cao hay thấp ở ĐBSCL sẽ tác động đến các vùng khác trong cả nước. Do đó, hiệp hội đề nghị các nhà máy đường cần hợp tác chặt với nhau về thời gian sản xuất, giá mua mía nguyên liệu, giá bán đường… trên tinh thần đảm bảo lợi nhuận cho dân trồng mía, cho nhà máy đường và quyền lợi người tiêu dùng.

Huỳnh Lợi - Cao Phong

Tin cùng chuyên mục