Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ĐBSCL đang đối diện với những thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Do đó, bên cạnh những giải pháp về thủy lợi để ĐBSCL sống chung với hạn, mặn như đã từng sống chung với lũ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi. Việc xây dựng các giải pháp tổng thể, lâu dài đòi hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng, thay vì cứ ứng phó hàng năm như hiện nay…
Nhiều công trình thủy lợi kém hiệu quả
Khi hạn hán kéo dài và nước mặn xâm nhập sâu, người dân mới thấy hết lợi ích từ các công trình thủy lợi. Trong đó, hệ thống cống ngăn mặn Nam Măng Thít, Láng Thé ở Trà Vinh đã phát huy hiệu quả bảo vệ cho hơn 100.000ha lúa trước sự bao vây của nước mặn. Hay hệ thống đê bao vùng ngọt hóa Gò Công và hàng loạt công trình cống đập khác ở vùng bán đảo Cà Mau cũng phát huy tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt.
Ngược lại, do đầu tư thiếu đồng bộ nên có một số hệ thống thủy lợi lớn trong vùng phát huy kém hiệu quả. Tại Hậu Giang, dự án đê bao ngăn mặn Vị Thanh - Long Mỹ có chiều dài hơn 70km, đi qua địa phận TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ, có tổng vốn đầu tư hơn 688 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là dự án rất quan trọng vì ngoài chức năng tháo úng, rửa phèn trên 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hình thành một hành lang giao thông liên hoàn, dự án còn đảm nhận vai trò chống xâm nhập mặn và các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là ở các xã nằm ven sông Cái Lớn của tỉnh. Theo kế hoạch, dự án thực hiện từ năm 2009-2015 nhưng đến nay vẫn còn 30km chưa hoàn thành do thiếu vốn đầu tư. Tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn để địa phương hoàn thành tuyến đê bao ngăn mặn này.
Cần chọn giống lúa thích nghi với hạn Ảnh: CAO PHONG
Tại Bến Tre, cống đập Ba Lai có mục tiêu ngăn nước mặn xâm nhập từ biển, giữ nguồn nước ngọt cho 88,500ha đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và TP Bến Tre. Hiện nay, sau khi hoàn thành cống đập Ba Lai, nước mặn vẫn tiếp tục xâm nhập vào đây vì các hạng mục còn lại như cống lấy nước Bến Rớ, âu thuyền An Hóa, âu thuyền Bến Tre, đê ven sông Tiền chưa được đầu tư. Khi nước mặn lên cao đã đổ ngược vào vùng ngọt hóa, gây khó cho dân. Ngoài ra, do chưa xây dựng đồng bộ, chưa hoàn chỉnh nên một số vùng còn xâm nhập mặn cục bộ, như hệ thống thủy lợi Cầu Sập, hệ thống cống dưới đê bao ven biển Bình Đại (dài 41km)...
Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp vẫn chưa làm được vai trò ngăn mặn, giữ ngọt cho hệ sinh thái của vùng này. Từ năm 1918, người Pháp đã nghiên cứu hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, đào một số kênh mang nước ngọt về từ sông Hậu. Mãi đến năm 1992, dự án ngăn mặn Cổ Cò mới được thực hiện, mục đích mang nước ngọt sông Hậu tới toàn vùng phía Đông sông Gành Hào gần sát biển. Tiếp theo là loạt 11 cống đập ngăn mặn khác được thiết lập trên các sông chính hay kênh, cống rộng từ 5 - 25m, cống tự động đóng mở khi thủy triều cao hay thấp. Ngoài ra, còn đào thêm kênh cấp 2 khoảng 250km. Công trình hoàn thành năm 2001 nhưng đến nay việc phân ranh mặn, ngọt vẫn cứ loay hoay vì có thời điểm người dân phá cống đưa nước mặn vào nuôi tôm.
Vùng ngọt hóa Gò Công được thực hiện từ thời Pháp và tiếp tục phát triển thêm sau năm 1990, được đánh giá là thành công nhất. Tuy nhiên, trước tình hình hạn hán, mặn xâm nhập như hiện nay, vùng này cũng thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Theo ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, để chống hạn, mặn căn cơ cho vùng này, trước mắt tỉnh sẽ đề nghị Bộ NN-PTNT lập trạm bơm điện tại cống Xuân Hòa để bơm bổ sung cho phần nước đã sử dụng (kinh phí khoảng 100 tỷ đồng), đồng thời vận động người dân giảm bớt 1 vụ lúa (thường xuống giống 3vụ/năm), chuyển sang cây trồng khác ít sử dụng nước.
Sản xuất thích nghi
Theo dự báo, tình hình hạn hán, mặn xâm nhập sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến tháng 5-2016, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, do vậy, nhiều địa phương trong vùng đã chỉ đạo ngưng xuống giống một số vụ lúa, giảm diện tích trồng lúa, thay thế cây trồng khác thích nghi có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt, sử dụng ít nước.
Trước mắt, ứng phó với tình hình hạn mặn, tỉnh các địa phương đã chỉ đạo đóng hàng trăm cống, nạo vét hàng ngàn kilômét kênh nội đồng, đồng thời tập trung tuyên truyền để người dân tuân thủ nghiêm những khuyến cáo của ngành chức năng trong phòng chống hạn, mặn.
“Một trong những biện pháp khẩn trương, trọng tâm nhất của cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng đến hết mùa khô năm nay là ứng phó với mặn xâm nhập, để giảm bớt thiệt hại cho nông dân”, là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ông Thể yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương nhanh chóng kiểm tra, khảo sát những vùng bị thiệt hại do mặn xâm nhập để kịp thời hỗ trợ cho nông dân theo quyết định của Chính phủ. Tại Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cống Bến Rớ cần xây dựng nhanh và hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể, vì đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng để phục vụ nước sinh hoạt cho khu vực trọng yếu của tỉnh là TP Bến Tre và huyện Châu Thành.
|
Vừa qua, Chính phủ Vương quốc Hà Lan và Bộ TN-MT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức Hội nghị tập huấn cấp cao về quy hoạch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TP Cần Thơ. Theo ông Tom Kombier, Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Kế hoạch ĐBSCL (MDP) đã được xây dựng trong khuôn khổ đối tác chiến lược thích ứng BĐKH và quản lý nước giữa hai chính phủ Việt Nam và Hà Lan. MDP là kết quả hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan trong hơn 3 năm, dựa trên khuôn mẫu của “Kế hoạch đồng bằng Rhine Meuse Scheld” ở Hà Lan. Hà Lan là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và đã có hơn 100 năm kinh nghiệm ứng phó với thách thức này. Do đó, những chia sẻ của Hà Lan trong MDP sẽ có ý nghĩa thiết thực với ứng phó BĐKH, phát triển sản xuất của vùng ĐBSCL. MDP hướng đến phát triển một tầm nhìn chiến lược lâu dài cho một khu vực đồng bằng an toàn, bền vững và trù phú, bao gồm các đề xuất chính sách và các giải pháp có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong phát triển và xem xét lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian và quy hoạch tổng thể ngành cho vùng ĐBSCL cũng như định hướng trong việc đưa ra các quyết định, ban hành luật và đầu tư tại khu vực ĐBSCL trong tương lai.
Theo ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhận thức rõ những vấn đề vừa nêu, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ TN-MT, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương vùng triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL theo định hướng cơ bản của MDP để xây dựng ĐBSCL ngày một an toàn trước BĐKh.
|
NHÓM PHÓNG VIÊN
>> Đồng bằng sông Cửu Long: Chật vật đối phó với hạn mặn