ĐBSCL: Sụt lún đang đe dọa đến sinh kế người dân

Sụt lún đang tạo ra nhiều nguy cơ đe dọa đến sinh kế hàng triệu nông dân ĐBSCL. Đó là thông điệp các nhà khoa học cảnh báo tại hội thảo về “Vấn đề sụt lún ở ĐBSCL thách thức và giải pháp tương lai”, tổ chức ngày 21-3, tại Cần Thơ.

Sụt lún đang tạo ra nhiều nguy cơ đe dọa đến sinh kế hàng triệu nông dân ĐBSCL. Đó là thông điệp các nhà khoa học cảnh báo tại hội thảo về “Vấn đề sụt lún ở ĐBSCL thách thức và giải pháp tương lai”, tổ chức ngày 21-3, tại Cần Thơ.

Hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học tham gia hội thảo

Tại hội thảo hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung thảo luận việc khai thác tài nguyên nước dưới đất và vấn đề sụt lún bề mặt đất. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hệ quả khác được xem là bất lợi cho vùng, làm giảm diện tích đất canh tác và các tác động khác ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng.

“Sụt lún không phải là vấn đề mới. Nhưng giờ người dân ĐBSCL phải đối mặt với mức độ khốc liệt hơn. Tốc độ sụt lún tăng lên ở các khu đô thị và khu vực khai thác nước ngầm, tạo ra nhiều lo ngại” - PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định.

Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học đánh giá rất cao về những kết quả nghiên cứu từ dự án “Rise and Fall” được kết hợp thực hiện bởi các viện, trường tại Hà Lan và Việt Nam nhằm nâng cao năng lực của các cá nhân và tổ chức trong việc xây dựng và phát triển các chính sách bền vững để giải quyết các vấn đề về gia tăng khai thác nước dưới đất, sụt lún bề mặt đất, xâm nhập mặn trong bối cảnh đô thị hoá ngày càng tăng ở ĐBSCL.

Theo kết quả nghiên cứu: Phần lớn cao trình bề mặt đất tại ĐBSCL thấp hơn 1m so với mực nước biển; đây là yếu tố quan trọng dẫn đến việc ĐBSCL rất dễ bị tổn thương do nước biển dâng.

Đáng báo động là việc khai thác nước tại ĐBSCL sử dụng cho các mục đích sinh hoạt, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, trong thời gian gần đây, ngày càng tăng một cách nhanh chóng. Mức độ khai thác hiện tại đang vượt quá trữ lượng bổ cập tự nhiên (thông qua mưa hoặc từ nguồn nước mặt bổ cập) dẫn đến suy thoái về cấu trúc và trữ lượng của các tầng chứa nước dưới đất. Hơn nữa, việc khai thác nước dưới đất có khả năng gia tăng xâm nhập mặn.

Giảm sản xuất lúa, tăng dự trữ nước ngọt!

Mực nước biển tương đối ở ĐBSCL đang gia tăng. Với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; tại khu vực Đông Nam Á, mức độ gia tăng mực nước biển tuyệt đối khoảng từ 3-4 mm/năm Tuy nhiên, kết quả mô hình nghiên cứu cho thấy nhiều phần diện tích ở nông thôn có mức độ sụt lún khoảng 10-20 mm/năm và ở thành thị mức độ sụt lún lên đến khoảng 25 mm/năm. Nguyên nhân chính là tốc độ khai thác nước dưới đất diễn ra nhanh. Khai thác nước dưới đất có khả năng là yếu tố chính chi phối sự sụt lún tại ĐBSCL; các khu vực với mức độ sụt lún từ 2 – 4 cm/năm chủ yếu tại các khu vực thấp ở vùng ven biển. Có thể thấy hậu quả của sụt lún còn đáng quan ngại hơn rất nhiều so với các dự báo về rủi ro do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Sụt lún gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nuôi thủy sản

ĐBSCL đang có những thay đổi nhanh chóng do quá trình đô thị hoá và chuyển đổi sử dụng đất đai, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động trên ngày càng gia tăng, dẫn đến gia tăng khai thác tài nguyên nước dưới đất trên quy mô lớn làm tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn nước này. Các chiến lược gia tăng khai thác nước dưới đất sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, nên sự gia tăng sụt lún và xâm nhập mặn vào nguồn nước dưới đất cũng sẽ còn tiếp tục. Mặt đất thấp, ĐBSCL sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn đối với thiên tai và đây là trở lực cho phát triển kinh tế trong tương lai của đồng bằng.

Các nhà khoa học cho rằng: Cần phải có những chiến lược thích ứng dựa trên điều kiện thực tế nhằm hạn chế tình trạng khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước dưới đất gây gia tăng sụt lún và xâm nhập mặn vào nguồn tài nguyên nước dưới đất của vùng. Phát triển các chiến lược thích ứng hướng đến các giải pháp bền vững đòi hỏi sự nỗ lực tham gia của nhiều bên có liên quan như chính quyền cấp địa phương, khu vực và cấp quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức kinh tế, cùng những viện/trường...

“Cần một chiến lược chặt chẽ đem lại an toàn cho vùng đông dân cư. ĐBSCL cần bước đi đồng bộ phát triển vùng đầu nguồn. Theo đó, hạn chế sử dụng nước ngọt sản xuất lúa 3 vụ/năm để tăng diện tích trữ nước ngọt điều hòa lại trong mùa khô hạn. Việc khai thác nước ngầm tràn lan là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình sụp lún trong vùng. Có thể thay thế khai thác nước ngầm bằng đầu tư hạ tầng thủy lợi hoặc làm các ao hồ lớn trữ nước” - ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất về tài nguyên nước và khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, nói.  

 Tại hội thảo các nhà khoa học cảnh báo: Sự mở rộng các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công sẽ thay đổi chế độ thuỷ văn vùng hạ nguồn trong giai đoạn vận hành chính thức và có thể dẫn đến các vấn đề khẩn cấp nghiêm trọng hơn. Các đập thuỷ điện sẽ làm gián đoạn quá trình truyền tải trầm tích, giảm mức độ màu mỡ tự nhiên tại vùng lũ cũng như các môi trường ven biển. Nước biển dâng sẽ thay đổi cân bằng giữa vùng ngọt và điều kiện cửa sông của đồng bằng, mặn hoá đồng bằng và ảnh hưởng đến nguồn nước dưới đất cũng như làm nhiều vùng của ĐBSCL ngập vĩnh viễn.

 Cao Phong

Tin cùng chuyên mục