ĐBSCL: Tái phát nạn bơm tạp chất vào tôm

Thời gian gần đây, tại các tỉnh trọng điểm về nuôi và xuất khẩu tôm ở ĐBSCL, liên tục xảy ra các trường hợp vận chuyển tôm chứa tạp chất. Có thể nói, sau thời gian tạm lắng, tình trạng đưa tạp chất vào tôm có dấu hiệu tái phát.
Lực lượng chức năng xử lý vụ tôm sử dụng tạp chất ở Cà Mau
Lực lượng chức năng xử lý vụ tôm sử dụng tạp chất ở Cà Mau

Tôm chứa tạp chất

Cà Mau là tỉnh có nghề nuôi và xuất khẩu tôm dẫn đầu cả nước, với kim ngạch hơn 1 tỷ USD/năm. Vì vậy, tại đây tập trung nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển tôm chứa tạp chất.

Mới đây nhất, vào khuya 11-6, lực lượng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Cà Mau phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra chiếc xe container biển kiểm soát 63H.007.85, do tài xế Huỳnh Trọng Vinh (ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) điều khiển. Qua xác minh, trong xe chứa 1.768 thùng tôm sú nguyên con, loại 6kg, với tổng trọng lượng hơn 12.500kg; số hàng trên có chứa tạp chất Agar. Đây là lô hàng của bà Châu Thị Thùy Trang (xã Định Bình, TP Cà Mau), đang đưa đi tiêu thụ thì bị phát hiện. Đây là vụ bắt tôm chứa tạp chất lớn nhất ở Cà Mau.

Đối với hành vi thu gom, vận chuyển tôm chứa tạp chất, UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều quyết định xử phạt. Ngày 16-6, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Hồng Loan (kinh doanh tại chợ thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi) số tiền 60 triệu đồng. Bà Loan bị phạt vì hành vi thu gom, vận chuyển tôm sú nguyên liệu (365kg) có chứa tạp chất. Không chỉ bị phạt, bà Loan còn bị tịch thu tang vật và phải chịu toàn bộ chi phí khắc phục hậu quả. Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng xử lý hành chính nhiều vụ vận chuyển tôm chứa tạp chất khác.

Tại Bạc Liêu, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, phát hiện 8 trường hợp bơm chích và vận chuyển tôm chứa tạp chất, với số lượng hơn 1,7 tấn. Lực lượng chức năng đã thu giữ và xử lý theo quy định. Tại Kiên Giang và Sóc Trăng, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh tôm chứa tạp chất.

Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT, 4 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang đã ký kết phối hợp ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, kinh doanh tôm có tạp chất. Mục tiêu là đến năm 2018 chấm dứt vấn nạn này. Sau một thời gian “tuyên chiến”, tình trạng đưa tạp chất vào tôm tạm lắng. Tuy nhiên, gần đây tình trạng này có dấu hiệu tái phát.

Con sâu làm rầu nồi canh

Nói về tình trạng tôm tạp chất tái phát, một giám đốc công ty chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL phản ánh: “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, có tình trạng một số người nước ngoài sang liên kết với các đối tác trong nước, thuê nhà máy để gia công. Đáng nói là họ thu mua cả tôm chứa tạp chất để chế biến. Vì vậy, tình trạng tôm tạp chất có dấu hiệu tăng trở lại”. Thông thường, chất được sử dụng để bơm chích vào tôm là Agar (thường gọi là rau câu). Việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm làm tăng khối lượng, kích cỡ. Tuy nhiên, khi đưa tạp chất vào tôm sẽ làm ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, gây mất uy tín nặng nề cho doanh nghiệp làm ăn chân chính khi xuất khẩu tôm ra nước ngoài.

Ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp xử lý vấn nạn đưa tạp chất vào tôm, nhưng ở nhiều vùng nông thôn vẫn có đối tượng thực hiện hành vi này; sau đó, giao cho những điểm thu mua lớn, rồi vận chuyển đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối, nhà hàng, xí nghiệp. Có cầu thì có cung, vì vậy, nếu các cơ sở, nhà máy thủy sản kiên quyết không mua và loại bỏ tôm tạp chất ngay từ đầu thì vấn nạn này mới mong triệt xóa được.

UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền về nhận biết, tác hại; chế tài, xử lý nghiêm hành vi bơm tạp chất vào tôm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của tổ kiểm tra liên ngành; tăng cường giám sát các cơ sở thu gom, sơ chế, bảo quản, kinh doanh thủy sản… để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Cần khởi tố để răn đe

Luật sư Lê Tân Thuận, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau, cho rằng, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi bơm trực tiếp tạp chất vào tôm đối với cá nhân vi phạm từ 3-5 triệu đồng. Trường hợp tổ chức cho nhiều người bơm tạp chất vào tôm, mức phạt tăng lên tối đa 70 triệu đồng… Theo luật sư Thuận, nếu tái phạm thì cần xử lý hình sự khi đủ điều kiện. Đặc biệt, những vụ có tính chất nghiêm trọng, gây hậu quả lớn thì công an cần khởi tố hình sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe, hạn chế được tình trạng này.

Tin cùng chuyên mục