Chiều 20-4, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết một người dân ở xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng bị nhiễm virus H5N1, nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên sức khỏe bệnh nhân cải thiện tốt. Song, ngành chức năng đang khẩn trương xử lý ổ dịch.
Toàn xã Vĩnh Đại có hơn 7.400 con gia cầm, những ngày qua lực lượng thú y đã tiêm phòng hơn 4.000 liều vaccine và đang tiếp tục tiêm phòng lượng gia cầm còn lại. Đối với đàn chim yến ở thành phố Tân An, dù kết quả xét nghiệm âm tính với cúm gia cầm, tỉnh đã vận động hộ gia đình nhanh chóng di dời đàn chim yến ra khỏi nội ô.
Cùng với chim yến, Long An hiện có đàn gia cầm khoảng 12 triệu con, nhưng mô hình nuôi nhỏ lẻ, khó quản lý và dễ phát sinh dịch bệnh. Theo ông Đức, sau khi Campuchia xảy ra cúm gia cầm, tỉnh chỉ đạo 5 huyện biên giới tiếp giáp với Campuchia tiêm phòng toàn bộ đàn gia cầm. Tổ chức kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm qua lại biên giới, kiên quyết xử lý trường hợp buôn bán gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc. Hiện Long An thành lập nhiều xe lưu động đi các xã để tuyên truyền người dân ý thức phòng chống cúm gia cầm.
Tại Kiên Giang, một trong những nơi có phong trào nuôi chim yến mạnh nhất ở ĐBSCL với hàng trăm cơ sở; bình quân mỗi cơ sở đầu tư từ 600 triệu đến vài tỷ đồng để nuôi chim yến. Hiện người nuôi rất lo lắng về nguy cơ chim yến có thể bị nhiễm cúm A/H5N1. Sở NN-PTNT Kiên Giang đang triển khai các biện pháp tích cực phòng chống cúm gia cầm trên đàn chim yến. Quan điểm của tỉnh không khuyến cáo nuôi chim yến ở khu đô thị, đông dân cư… Vì vậy, nếu trường hợp phát hiện chim yến bị cúm A thì xử lý ngay theo quy định nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe người dân. Tại Bạc Liêu, Chi cục Thú y cũng vừa lấy 3 mẫu chim yến được nuôi ở thành phố Bạc Liêu gửi đi xét nghiệm cúm gia cầm. Đồng thời hướng dẫn người nuôi vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh, nếu phát hiện chim yến bệnh hoặc chết cần báo ngay cho lực lượng thú y xử lý.
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng, bà Trần Thị Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ đạo ngành thú y phối hợp chặt cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tiêm phòng đàn gia cầm, siết chặt quản lý buôn bán, vận chuyển, giết mổ… gia cầm trên địa bàn; nhất là khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia. UBND tỉnh cấp kinh phí mua 10 triệu liều vaccine để đảm bảo nhu cầu tiêm phòng. Đồng thời tổ chức xét nghiệm ngay đối với các trường hợp nghi vấn, không để dịch bệnh lây lan.
Chi cục Thú y Đồng Tháp cho biết, cúm A/H5N1 xảy ra ở tỉnh vào năm 2004. Từ đó đến nay, Đồng Tháp đã có 5 trường hợp tử vong và gần nhất là trường hợp cháu Nguyễn Duy Hoàng Huy (4 tuổi) ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh tử vong do ăn gà bị bệnh cúm vào tuần đầu tháng 4-2013.
Tại An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, TP Cần Thơ… ngành chức năng cũng tăng cường các biện pháp phòng chống cúm gia cầm.
NGUYỄN THANH - AN BÌNH
Thông tin liên quan:
>> Thêm một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1
>> Chỉ có 10/300 nhà nuôi chim yến được cấp phép
>> Vận chuyển gia cầm lậu gia tăng
>> Cảnh báo dịch cúm gia cầm có thể lan rộng, không được lơ là