ĐBSCL: Tăng tốc xuất khẩu, tạo dấu mốc lịch sử của ngành thủy sản

Tình hình xuất khẩu thủy sản tại ĐBSCL thời gian qua có nhiều điểm sáng và tăng trưởng ấn tượng. Mặc dù có “giảm tốc” trong thời gian gần đây nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu khẳng định sẽ cố gắng vượt khó, đạt khoảng 11 tỷ USD trong năm 2022 - mốc kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam.
Chế biến tôm xuất khẩu tại mọt doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh: TUẤN QUANG
Chế biến tôm xuất khẩu tại mọt doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh: TUẤN QUANG

Xuất khẩu thủy sản tăng vọt

 Xuất khẩu tôm là một trong những điểm sáng của nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, chỉ trong 3 quý năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 1 tỷ USD, trở thành mặt hàng mang về giá trị xuất khẩu lớn nhất tại địa phương. Hiện tỉnh Sóc Trăng có 22 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản, các mặt hàng thủy sản có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Tương tự, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau đang tiến gần đến mốc 1 tỷ USD. Cụ thể, đến tháng 10-2022, xuất khẩu tôm đã thu về trên 960 triệu USD, đạt gần 90% kế hoạch, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh Bạc Liêu xuất khẩu tôm đạt khoảng 686 triệu USD, bằng 76% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ.

Nói về tình hình xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giang Châu (xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết, xuất khẩu tôm rất thuận lợi trong 2 quý đầu năm, các đơn hàng tăng cao. Tuy nhiên, bước sang quý 3 thì các đơn hàng chững lại. “Dù mỗi công ty có kế hoạch và chiến lược kinh doanh riêng nhưng nhận định chung là các đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Chúng tôi đang tăng cường sản xuất để cung cấp các đơn hàng cho đối tác. Dự báo năm nay, tình hình xuất khẩu tôm của doanh nghiệp vẫn khả quan và tăng trưởng cao so với năm trước”, ông Lê Văn Châu thông tin.

Bên cạnh con tôm, xuất khẩu cá tra cũng tăng trưởng ấn tượng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến cuối tháng 10-2022, xuất khẩu cá tra đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các doanh nghiệp cá tra đều có doanh số tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu cao hơn.

Hai thị trường chính xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm 30%), Mỹ (chiếm 23%). Riêng thị trường Mỹ, sau khi tăng nóng trong nửa đầu năm, lượng tồn kho tăng và tắc nghẽn tại các cảng nhập khẩu khiến nhu cầu của thị trường Mỹ giảm. Trong khi đó, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, vì sản lượng thủy sản trong nước giảm, chính sách zero Covid-19 khiến nước này thiếu thực phẩm và thủy sản. Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một số thị trường châu Á, tận dụng lợi thế thuế quan và yếu tố địa lý.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu vừa qua, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho rằng, sở dĩ có kết quả khả quan nhờ một phần do dịch Covid-19 giảm xuống, hệ thống phân phối dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng lên, nên đối tác mua hàng tích cực hơn. Còn theo lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh ĐBSCL, tình hình xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2022 đạt khá so với kế hoạch và tăng so cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu của thị trường các nước tăng cao, nhất là nửa đầu năm. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại với các nước; lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do được khai thác tốt nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào các thị trường tăng mạnh... Mặc dù vậy, tình hình xuất khẩu thủy sản cuối năm vẫn còn nhiều thách thức.

Dự báo xuất khẩu thủy sản đạt mốc 11 tỷ USD

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cả nước hiện có 600.000ha nuôi tôm sú, 150.000ha nuôi tôm thẻ (tập trung nhiều tại ĐBSCL). Năm 2021, cả nước xuất khẩu tôm thẻ và tôm sú chỉ khoảng 3,6 tỷ USD. Trong khi đó, cùng kỳ Ecuador chỉ có 330.000ha nuôi tôm thẻ đã có thể xuất khẩu hơn 5 tỷ USD. Từ thực tế trên, ông Trương Đình Hòe cho rằng, con tôm của Việt Nam hiện chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế để mang về giá trị xuất khẩu cao. Dù có vùng nuôi tôm lớn, thế nhưng nuôi theo quy mô nông hộ vẫn chiếm cơ cấu lớn nhất, quy mô tôm (thẻ) nuôi trang trại chỉ chiếm khoảng 10% (tương đương 15.000ha), tôm nuôi theo mô hình tôm lúa, tôm rừng, tôm sinh thái chiếm tỷ trọng nhỏ. “Do đó, việc quy hoạch chiến lược vùng nuôi tôm là rất quan trọng, đặc biệt là cần gia tăng diện tích nuôi tôm quy mô trang trại; chuyển đổi hợp lý diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ; quy hoạch các vùng nuôi tôm rừng, tôm lúa đi kèm chứng nhận bền vững thể hiện tính đặc thù của mô hình nuôi”, ông Trương Đình Hòe đề xuất.

Nhận định về thị trường cuối năm, ông Huỳnh Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES), cho rằng, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp một số khó khăn và thách thức khi nhu cầu của thế giới đang chậm lại. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái, nhất là ở các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như Mỹ, châu Âu. Nhiều đồng tiền đang mất giá so với đồng USD đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà nhập khẩu nên nhu cầu nhập khẩu thủy sản cũng giảm. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.

Tính đến cuối tháng 11-2022, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch 10 tỷ USD, dự kiến đến cuối năm 2022 con số này có thể đạt mức 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD (tăng 30%), xuất khẩu cá tra hơn 2 tỷ USD (tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021). Với kết quả trên, ngành thủy sản đã về đích trước hẹn so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Đây có thể xem là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với ngành thủy sản nước nhà.

Tin cùng chuyên mục