ĐBSCL: Xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nhiều nơi

Vài ngày gần đây, một số nơi ở ĐBSCL có mưa rải rác làm nhiệt độ giảm xuống. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn còn gay gắt, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng.
ĐBSCL: Xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nhiều nơi

Vài ngày gần đây, một số nơi ở ĐBSCL có mưa rải rác làm nhiệt độ giảm xuống. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn còn gay gắt, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn đã làm thiệt hại hơn 4.736ha lúa ở các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại và Châu Thành; trong đó 816ha mất trắng; khoảng 4.240ha vườn cây ăn trái các loại bị thiệt hại; 2.121ha ca cao bị mất trắng; nước mặn làm chết hơn 100.000 cây giống các loại, đồng thời làm 319ha nghêu chết la liệt…

Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng khiến 84.900 hộ với 346.500 nhân khẩu thiếu nước sạch sử dụng, buộc người dân phải đổi nước ngọt với giá cao. Ước tổng thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra ở Bến Tre đến nay hơn 81,4 tỷ đồng.

Nhiều diện tích lúa xuân hè ở Sóc Trăng thiệt hại do xâm nhập mặn.

Nhiều diện tích lúa xuân hè ở Sóc Trăng thiệt hại do xâm nhập mặn.

Tại Sóc Trăng, nước mặn làm khoảng 2.000ha lúa ở huyện Trần Đề, Long Phú… bị thiệt hại. Nguyên nhân do hệ thống thủy lợi còn bất cập, trong khi người dân ào ạt xuống giống lúa xuân hè quá nhiều, hơn 56.000ha (vượt kế hoạch đề ra là 40.000ha). Trong đó, nhiều diện tích lúa ngoài quy hoạch, thiếu nước tưới và bị mặn tấn công làm mất trắng. Sở NN-PTNT Sóc Trăng nhìn nhận, sản xuất lúa xuân hè hiện nay không còn ưu thế. Cụ thể, trong 4 năm gần đây thì có tới 2 năm mất mùa. Do đó, ngành nông nghiệp đang cân nhắc có nên tiếp tục sản xuất lúa xuân hè ngay mùa khô hạn trong những năm tới, khi mà xâm nhập mặn ngày càng phức tạp hơn.

* Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu phải khẩn trương, chủ động giải quyết theo thẩm quyền để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, địa phương có khoảng 1.000 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu đang sống di cư. Phần lớn trong số này sống trái phép trong rừng phòng hộ dọc theo tuyến đê biển và trong hành lang lộ giới đê điều ở các huyện Đông Hải, Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu. Do tập quán sống du cư nên các hộ không có nơi ở, nghề nghiệp ổn định, đa phần nghèo khó. Trước tình trạng này, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị các địa phương nêu trên khẩn trương lập phương án di dời người dân ra khỏi rừng phòng hộ; bố trí khu dân cư cho người dân đủ đất ở và đất sản xuất để vừa cất nhà vừa phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, công việc này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là quỹ đất để bố trí chỗ ở, nơi ở gắn liền với điều kiện sản xuất, kinh doanh… 

NGUYỄN THANH - HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục