(SGGPO).- “Xúc tiến đầu tư, tập trung kêu gọi các dự án, công trình vào lĩnh vực thế mạnh của vùng, phát triển nông nghiệp - nông thôn theo hướng liên kết vùng; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; cải thiện thu nhập và góp phần nâng cao đời sống nông dân…” – ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phát biểu nhấn mạnh, tại hội nghị Xúc tiến đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL diễn ra vào ngày 6-11, tại MDEC – Sóc Trăng 2014.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp để tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư vào ĐBSCL. Theo đó, với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư được cải thiện đã và đang tạo thuận lợi để các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động hợp tác với các địa phương trong vùng.
Tại hội nghị, Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, các lĩnh vực có tiềm năng hút vốn FDI cao của ĐBSCL là: Giống cây trồng, hóa chất nông nghiệp, trang trại trồng lúa, thú y, nhà máy gạo tổng hợp, quy trình sản xuất thức ăn.
Ban tổ chức hội nghị đã tạo điều kiện để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước, các tổ chức quốc tế, tìm hiểu 67 dự án trọng điểm ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng và 1,4 tỷ USD. Dịp này, hội nghị đã ghi nhận và ký kết bản ghi nhớ với 3 nhà đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng, gồm: Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.320 MW, tổng vốn dự án 2,190 tỷ USD do Công ty Tata Power đầu tư; Nhà máy điện gió Phú Cường 1, do Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Cường đầu tư, tổng vốn đầu tư 436 triệu USD; dự án Nhà máy điện gió Vĩnh Châu do Công ty cổ phần Thương mại sản xuất và dịch vụ tổng hợp (Trasesco) và Công ty EAB New Energy GmbH (Đức) đầu tư, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.
CAO PHONG