* Dự kiến ngày 13-3, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị Đề án Chính quyền đô thị TPHCM
(SGGPO).- “Việc Trung ương đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quản lý tài chính, ngân sách sẽ không làm giảm đóng góp của thành phố đối với Trung ương mà còn tạo điều kiện cho thành phố đóng góp ngày càng nhiều hơn vào ngân sách của cả nước”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã khẳng định như vậy tại hội nghị thông qua dự thảo đề án thí điểm Chính quyền đô thị TPHCM được tổ chức sáng 17-2 tại TPHCM. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chủ trì.
Kiến nghị 6 nội dung phân cấp quan trọng
So với nội dung đề án trước đây, nét mới đề án lần này là TPHCM có điều chỉnh, bổ sung và cập nhật mới đề án theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 cũng như tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân sĩ trí thức.
Báo cáo trước hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thông tin: Đề án có 2 nội dung chính là định hướng tổ chức bộ máy và đổi mới cơ chế phân cấp, ủy quyền. Đối với nội dung đổi mới cơ chế và phân cấp ủy quyền, chính quyền TPHCM kiến nghị Trung ương phân cấp mạnh để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi ủy quyền với những nhu cầu thực hiện phát triển đô thị.
Cụ thể, chính quyền TPHCM kiến nghị Trung ương phân cấp cho TP các thẩm quyền: quản lý tài chính công, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức nhân sự, trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư; phân cấp trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính; chính quyền TPHCM phân cấp cho chính quyền các TP trực thuộc (4 TP Đông, Tây, Nam, Bắc).
Theo phân tích của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, việc phân cấp thẩm quyền quản lý tài chính công sẽ khuyến khích TP tăng thu, tăng chi đáp ứng yêu cầu phát triển của TP, cần có cơ chế để TP tạo nguồn và nuôi dưỡng nguồn thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở một đô thị lớn.
Đối với phân cấp thẩm quyền tổ chức nhân sự, TP được quyền quyết định số lượng công chức để đảm bảo hoạt động của bộ máy. Trong đó, được quyết định một số nội dung quản lý công chức thuộc thẩm quyền như: tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch công chức từ cấp chuyên viên trở xuống, quyết định một số chế độ đãi ngộ cho phù hợp với mức sinh hoạt của đô thị. Đồng thời, chính quyền TPHCM phân cấp cho chính quyền các TP trực thuộc nhằm nâng cao tính tự chủ và tính tự chịu trách nhiệm của chính quyền các TP trực thuộc, giảm bớt nhiệm vụ cụ thể của các cấp quản lý nhà nước. Một nội dung đổi mới nữa trong đề án lần này là sự chuẩn bị nguồn nhân lực.
Mô hình phù hợp xu thế phát triển
“Theo đề án này, mô hình Chính quyền đô thị mà TPHCM đề xuất giải quyết được các vấn đề lớn cho một đô thị đặc biệt. Bộ máy chính quyền đô thị TPHCM vẫn được tổ chức thành hai cấp hoàn chỉnh gồm cấp TP và cấp cơ sở (cấp xã, thị trấn và 4 TP vệ tinh trực thuộc TPHCM). Về tên gọi cơ quan hành chính, ở đề án trước đây TPHCM đề nghị nơi nào có HĐND thì gọi là UBND, còn lại gọi là Ủy ban Hành chính. Tuy nhiên, ở lần chỉnh sửa này, TP đề nghị thống nhất tên UBND như ý kiến góp ý của Bộ Nội vụ”, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nói rõ.
Bên cạnh cơ chế phân cấp, theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, trong chính quyền đô thị cần có chế độ ủy quyền quản lý, đây là cơ chế mà theo đó một số nội dung quản lý thuộc thẩm quyền của cấp trên nhưng xuất phát từ hiệu quả công tác quản lý cấp trên có thể ủy quyền cho cấp dưới thực hiện. Do vậy, về nguyên tắc đối với những nội dung ủy quyền thì cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý cuối cùng khi thực thi công vụ của mình. Cấp dưới chính là cánh tay nối dài của cấp trên, cấp dưới phải báo cáo cách thức, tiến độ và kết quả thực hiện qua sự giám sát chặt chẽ của cấp trên và thực hiện công vụ trong phạm vi ủy quyền.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đề án thí điểm Chính quyền đô thị TPHCM được TP soạn thảo công phu và đầy trách nhiệm. Phó Thủ tướng cho rằng, là một đô thị lớn có vị trí quan trọng đặc biệt ở phía Nam và trong phạm vi phát triển của cả nước nên việc tổ chức một chính quyền đô thị là phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp và còn mới mẻ. Đây là lần họp chính thức cuối cùng để góp ý cho đề án. Theo kế hoạch vào ngày 13-3 tới, Bộ Chính trị sẽ nghe Chính phủ báo cáo đề án Chính quyền đô thị TPHCM, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Vân Anh