Năm 2015 là thời điểm nhiều văn bản quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non của nước ta hết hiệu lực. Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2025, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục. Song, làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục bậc học này vẫn là câu hỏi khó.
Giáo viên: thừa nhưng vẫn… thiếu
Mới đây, tại hội thảo “Đào tạo giáo viên trong các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” tổ chức tại Hà Nội, PGS-TS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã đưa ra cảnh báo, đến năm 2018, cả nước thừa trên 70.000 giáo viên ở tất cả bậc học. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã có nhiều động thái nhằm siết chặt công tác đào tạo tại các trường sư phạm, trong đó có cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngành sư phạm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, bộ chỉ giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên tiểu học, THCS và THPT, riêng đối với giáo viên mầm non sẽ không thực hiện cắt giảm. Nguyên nhân là do hiện nay cả nước vẫn còn thiếu khoảng 23.000 giáo viên mầm non. Đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, tỷ lệ giáo viên/lớp hiện nay rất thấp.
Giáo dục mầm non sẽ được tập trung nâng chất
Cũng theo ông Nguyễn Bá Minh, từ năm 2010 đến nay, cả nước có 106.277 giáo viên được tuyển mới vào biên chế, tỷ lệ lao động trong biên chế so với tổng quy mô sử dụng giáo viên năm 2015 là 66,2%, tăng 1,6 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, đối với những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, năm nào cũng cần bổ sung thêm rất nhiều giáo viên, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Bà Trần Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Bảo Ngọc (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM), cho biết thu nhập của giáo viên mầm non tại các cơ sở ngoài công lập hiện nay dao động từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng, đã bao gồm phụ cấp “tăng ca” thứ bảy và giữ trẻ sau 17 giờ. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội cả năm 12 tháng cho người lao động, chưa kể với sự cạnh tranh khốc liệt cũng như tốc độ phát triển chóng mặt của các cơ sở ngoài công lập đã khiến đội ngũ thường xuyên biến động, gây ảnh hưởng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở. Do đó, với dự thảo lần này của đề án, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này như được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ, chính sách khác như giáo viên trường công lập. Đây được xem là một trong những bước tiến bộ của đề án.
Lo âu kinh phí thực hiện
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục mầm non đã tăng từ 4.096 tỷ đồng năm 2006 lên 27.227 tỷ đồng vào năm 2015. Trong đó, mức chi tính trên đầu học sinh đã tăng từ 6 triệu đồng/trẻ (năm 2009) lên gần 10 triệu đồng/trẻ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, nguồn lực tài chính nhà nước những năm gần đây gặp nhiều khó khăn nên nhiều chương trình, đề án giáo dục đã không đảm bảo kinh phí hoạt động. Đơn cử Đề án 239 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã rơi vào cảnh không đủ nguồn lực tài chính thực hiện. Ước tính đến tháng 12-2015, tổng kinh phí thực hiện đề án chỉ đạt 10.770 tỷ đồng, chiếm 73,5% so với tổng kế hoạch đề ra. Trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA không thực hiện được, tổng vốn huy động của các địa phương chỉ ở mức 4.740 tỷ đồng, dẫn đến nhiều khó khăn trong xây dựng trường lớp, yêu cầu hoàn thiện mạng lưới trường học cho mục tiêu phổ cập không hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Do đó, trong giai đoạn 2016 - 2025, cơ quan chủ quản ngành giáo dục đã đưa nội dung đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa vào một trong 7 nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện. Trong đó có việc huy động nguồn lực hợp lý của nhân dân để xây dựng trường, lớp, kết hợp chính sách của địa phương với chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Ngoài ra, để đẩy mạnh mục tiêu phát triển giáo dục ngoài công lập, các địa phương cần thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn vay và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phục vụ nhu cầu gửi trẻ của người dân. Song, theo phản ánh của nhiều đơn vị, phần lớn mục tiêu vẫn còn hết sức chung chung, chưa có hướng dẫn kế hoạch cụ thể thực hiện. Riêng đối với các tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, đông dân nhập cư cần có những chế độ, chính sách đặc thù, tránh tình trạng địa phương phải “tự cứu” như thời gian qua.
Một chuyên gia giáo dục dự báo, kể cả trong vòng 10 năm nữa, khi nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non trên cả nước cơ bản được đáp ứng thì vẫn tồn tại một số khu vực “khát” giáo viên do đặc thù về dân số, phân bổ thu nhập. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, nhiều địa phương đã kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm có dự báo đến năm 2020, cả nước cần bổ sung thêm bao nhiêu giáo viên mầm non, từ đó xác định quy mô, chỉ tiêu đào tạo phù hợp với đặc thù riêng của từng khu vực, tránh tình trạng “đèn nhà ai nấy sáng” như hiện nay.
MINH QUÂN