Để bảo tàng không thành kho chứa hiện vật

Bảo tàng theo nghĩa thông thường là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc hay một giai đoạn lịch sử nào đó. Mục đích của bảo tàng là giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về quá khứ.

Ở nhiều quốc gia, dân tộc, bảo tàng được xem là niềm tự hào vì nó lưu giữ, trưng bày lịch sử, văn hóa, thành tựu của quốc gia, dân tộc đó. Không ít quốc gia sinh sau đẻ muộn nhưng cũng cố gắng tìm hiểu, sưu tập để xây dựng được bảo tàng về lịch sử dân tộc, quốc gia mình cho thế giới biết đến và hơn nữa để tiếp ngọn lửa truyền thống, tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau.

Việt Nam, một đất nước với bề dày truyền thống văn hóa, trải qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều thăng trầm và không ít sự kiện lịch sử của Việt Nam được cả thế giới biết đến. Chính vì vậy, xây dựng bảo tàng là công việc cực kỳ quan trọng nhằm lưu giữ những tài liệu, hiện vật gắn liền lịch sử hình thành phát triển của dân tộc cho các thế hệ sau học tập nghiên cứu.

Thực tế Việt Nam cũng đã có rất nhiều bảo tàng. Chỉ riêng tại TPHCM đã có hàng chục bảo tàng nhà nước và tư nhân. Đa số các bảo tàng nằm ở những vị trí đắc địa, được đầu tư cơ sở vật chất khá tốt và kinh phí duy trì hoạt động hàng năm cũng không nhỏ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là số lượng khách vào tham quan xem ra không tương xứng với kỳ vọng của những người làm công tác bảo tàng cũng như với mức độ đầu tư.

Nếu ai đã từng đến bảo tàng tại Singapore hoặc nhiều nước Châu Âu sẽ thấy rõ sự khác biệt so với Việt Nam, từ quy mô, cách bày biện, hướng dẫn viên cho đến giá vé. Giá vé vào cổng tham quan bảo tàng rất cao, nhiều bảo tàng chỉ giảm giá cho học sinh, sinh viên, giáo viên. Bảo tàng trở thành điểm đến trong rất nhiều tour du lịch của các nước. Bảo tàng trở thành điểm sinh hoạt ngoại khóa của tất cả học sinh, sinh viên với những bài thu hoạch cụ thể... Chính những hoạt động trên đã tạo ra sức sống cho bảo tàng và giúp bảo tàng sống được.

Tại TPHCM, nếu lựa chọn ngẫu nhiên một học sinh để hỏi, trong năm học vừa qua bạn đã đến tham quan bảo tàng nào ở thành phố, đi cùng ai, bạn biết ở TPHCM có bao nhiêu bảo tàng không? Có lẽ phần nhiều câu trả lời sẽ khiến những người làm công tác bảo tàng, các thầy cô và phụ huynh buồn.

Không ít bảo tàng tại TPHCM hiện nay được biết đến nhiều là nơi tổ chức đám cưới, chụp hình cưới, cho thuê mặt bằng hơn là hoạt động bảo tàng. Dĩ nhiên có những bảo tàng được nhiều du khách biết đến, lượng khách tham quan đông như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Hội trường Thống nhất... nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Công tác bảo tàng, xây dựng bảo tàng là điều rất cần thiết. Nhưng xây dựng ra sao, hoạt động như thế nào để bảo tàng thực sự sống và gắn với cuộc sống và dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt là với các bạn trẻ, học sinh, sinh viên? Đừng để bảo tàng trở thành kho chứa hiện vật.

Để làm được điều đó chỉ sự đam mê, nhiệt huyết thôi chưa đủ.

Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy

Tin cùng chuyên mục