Ngày 5-6, tại xã Mỹ Khánh (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã xảy ra vụ thảm án, nghi vấn là một người đàn ông vì hận vợ nên đã giết chết cả 2 con nhỏ rồi tự tử. Trong những năm gần đây, những vụ cha hay mẹ giết con rồi tự tử xảy ra ngày càng nhiều, thủ phạm xem đó là cách để trả hận tình, có dụng ý khiến người còn sống phải ân hận; hoặc vì nghĩ rằng không để con mình tiếp tục sống với người cha, người mẹ thiếu trách nhiệm. Thực ra đó là hạ sách, suy nghĩ nông cạn và hành vi tàn độc, vô đạo đức và phạm pháp.
Thủ phạm cũng là nạn nhân, cũng chọn cái chết cho mình, nhưng dư luận rất đau xót, phẫn nộ về sự dã man và vi phạm pháp luật của những kẻ giết hại trẻ em. Có thể họ là kẻ bị phụ tình, tâm lý đã bị tổn thương, nhưng việc ra tay tàn độc tước sinh mạng của các con cho thấy nhân cách họ đã bị xuống cấp nên dễ dẫn đến “cơn xung động hành vi”. Từ vụ thảm án này nhìn lại, không thể không đau lòng khi thấy gần đây đã xảy ra nhiều vụ rất thiếu đạo đức và lương tâm con người: thảm sát nhiều người để cướp của; giết cha mẹ hay anh em để tranh đoạt tài sản; thầy giáo, thậm chí là hiệu trưởng dâm ô nhiều nữ sinh tiểu học; tạt axít để trả thù hay đánh ghen... Ngoài ra, còn có những hành vi thiếu đạo đức và lương tâm có thể làm hại nhiều người về lâu dài, khó bị phát hiện, như đưa chất cấm vào nông sản, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm... Vì sao có nhiều người có thể hành xử như vậy? Đó là một vấn đề xã hội quan trọng cần được mổ xẻ, nghiên cứu khoa học để có giải pháp toàn diện đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; khắc phục những mặt hạn chế và chấn chỉnh những nguyên nhân làm tha hóa con người.
Kinh tế thị trường tạo ra nhiều tác động tiêu cực, kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý. Song, sẽ không thể đổ hết cho mặt trái của kinh tế thị trường để giải thích tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, bởi nhiều nước có kinh tế thị trường vẫn có thể kiểm soát, giữ được xã hội trật tự, ổn định. Thực tế xã hội ở nước ta hiện nay có tình trạng những chuẩn mực giá trị về nền tảng gia đình, đạo đức, văn hóa, giáo dục bị xáo động. Nhiều phụ huynh rất lúng túng, bối rối trong việc quản lý và giáo dục con cái trong thời trẻ em đối mặt với quá nhiều cám dỗ về giải trí và thông tin. Trong khi đó, chương trình giáo dục đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết và hạn chế, học sinh phải học quá tải nhưng lại ít được chú ý trang bị những điều rất cần là rèn nhân cách, kỹ năng sống, ý thức nói không với cái xấu, cái ác.
Thật đáng tiếc khi chúng ta đã ít nhắc đến thành ngữ “lương tâm cắn rứt”. Khi còn cảm xúc đó thì chắc chắn người ta sẽ ngại ngần không dám ra tay giết người, hãm hại người, bán hàng gian hàng giả, bán thực phẩm bẩn, nhận tiền phi nghĩa để làm điều bất chính, bắt ép học trò phải học thêm, ăn cắp giờ công, thờ ơ với bệnh nhân, bịa đặt để làm phóng sự... Và khi còn cảm xúc “lương tâm cắn rứt”, người ta cũng sẽ không cho phép mình làm điều gì khiến mẹ mình đau lòng, khiến vợ con mình phải buồn bã. Để có lương tâm và lương tâm còn biết cắn rứt, người ta phải có đạo đức và lòng tự trọng. Gia đình, nhà trường và xã hội cần chú trọng giáo dục, rèn luyện, trang bị cho thế hệ trẻ những giá trị này.
Trong xã hội, công dân được giáo dục, nhắc nhở nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nhưng như vậy là chưa đủ, bởi pháp luật dù được hoàn thiện đến đâu cũng không đủ chi phối hết được mọi hành vi, lĩnh vực hoạt động của con người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Do vậy, cùng với nguyên tắc sống tuân thủ pháp luật, rất cần đề cao ý thức sống có đạo đức, có lòng tự trọng, có lương tâm, để không làm điều xấu, điều ác.
Cách đây vừa tròn 2 năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, lưu ý tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có chiều hướng gia tăng. Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó có nhắc đến việc hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đề cao lương tâm, trách nhiệm, hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ. Cần tiếp tục đẩy mạnh và đi vào chiều sâu việc đưa Nghị quyết 33-NQ/TW vào cuộc sống, thực hiện các nội dung nhiệm vụ đó thật chu đáo và hiệu quả.
MINH THANH