LTS: Báo SGGP số ra ngày 11-11 có đăng bài “Mong đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nói tiếng nói của dân”, đề cập vấn đề trình độ, phẩm chất, ý thức trách nhiệm của ĐBQH phải ngày càng cao hơn để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Nhiều bạn đọc đồng tình với nội dung bài báo và góp thêm ý kiến về vấn đề này.
Nhiều đại biểu tận tụy với dân
Tôi rất quan tâm các kỳ họp của Quốc hội và thường xuyên theo dõi qua báo đài thông tin về ý kiến thảo luận, chất vấn của các ĐBQH trong các kỳ họp. Tôi thấy những năm gần đây, hoạt động chất vấn của các ĐBQH đã có tiến bộ rõ nét, nhiều ĐBQH đã thể hiện rõ quyền lực, trách nhiệm người đại biểu của dân, thẳng thắn chất vấn những vấn đề mà cử tri đang quan tâm, bức xúc. Đó là tín hiệu thật đáng mừng và cũng là điều cử tri kỳ vọng ở những người ĐBQH.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: LÃ ANH
Cũng đã có nhiều ĐBQH khiến cử tri kính phục vì cái tâm và sự nhiệt huyết, nhiệt thành, hết lòng vì sứ mệnh, vì trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Tôi thật sự nể phục, quý mến những ĐBQH đã không quản ngại khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức để đến với dân, lắng nghe, tự tìm hiểu, xác minh những chuyện người dân gặp oan khuất, bất công để giải quyết. Sự tận tụy, hết lòng vì dân vì nước, sự quan tâm sâu sắc đến những số phận con người của những ĐBQH như vậy khiến cử tri vô cùng cảm phục, xúc động và biết ơn.
Song theo dõi các kỳ họp Quốc hội, tôi nhận thấy cũng còn những ĐBQH chưa tâm huyết, không mạnh dạn phát biểu và chất vấn đến cùng. Thậm chí đã có những ĐBQH suốt từ đầu nhiệm kỳ đến giờ vẫn chưa thấy phát biểu trong các cuộc thảo luận tại hội trường. Cũng có ĐBQH nêu ý kiến thảo luận hoặc chất vấn trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội, nhưng vẫn chỉ chiếu lệ, hình thức, do e ngại, sợ đụng chạm, hoặc không đủ bản lĩnh và kiến thức để đi đến tận cùng những vấn đề bức xúc của nhân dân. Chính vì những trường hợp như vậy mà đôi lúc những cử tri quan tâm đến thời cuộc và quan tâm đến nội dung nghị sự của kỳ họp Quốc hội như tôi đôi lúc phân vân và chưa thật sự tin tưởng vào vai trò phản biện của người ĐBQH mà chính mình bầu chọn.
NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)
Sàng lọc để ĐBQH thực sự xứng đáng
Gần đây, nhiều cử tri TPHCM rất bất bình việc một ĐBQH trong đoàn ĐBQH TPHCM đã lên blog cá nhân để công kích, nói xấu một vị ĐBQH khác. Đây là giọt nước tràn ly, bởi là lần thứ hai ông có hành động cố tình ngạo mạn như vậy. Lần trước, ông đã bị đoàn ĐBQH TPHCM nhắc nhở nhưng rồi lại tái phạm. Việc lạm dụng blog cá nhân để xúc phạm người khác của ĐBQH này đã gặp phải phản ứng khá gay gắt từ phía dư luận và đoàn ĐBQH TPHCM cũng đã phải họp nhắc nhở ông. Thế nhưng qua các phát ngôn sau đó, cho thấy ông vẫn không thực sự cầu thị. Là một cử tri TPHCM, tôi thực sự thấy buồn khi địa phương của mình có một đại biểu như vậy tại Quốc hội.
Công khai bày tỏ ý kiến trên diễn đàn Quốc hội, tham gia quyết nghị xây dựng pháp luật và những vấn đề quốc kế dân sinh, thực hiện những điều tâm huyết của cử tri gửi gắm và kỳ vọng, đó là trách nhiệm chính trị của ĐBQH đối với cử tri. Là ĐBQH, ai cũng phải hiểu và hiểu rõ trách nhiệm của mình. Tranh luận có thể gay gắt nhưng phải luôn thể hiện thái độ có văn hóa. Thế nhưng, từ tranh luận tại diễn đàn Quốc hội, ĐBQH này cay cú và dùng blog của mình để miệt thị ĐBQH khác. Đọc blog của ông này, ai cũng phải hỏi ông có phải là một ĐBQH. Cách nói, cách hành xử của một người thể hiện phẩm chất đạo đức của người ấy. Có thể gay gắt nhưng vẫn thể hiện thái độ có văn hóa, có thể phẫn nộ nhưng vẫn phải kiểm soát hành vi. Việc dùng những từ nặng nề, dè bỉu để phê phán người khác là điều không thể chấp nhận được với một người bình thường, chưa nói đến một người là đại biểu của nhân dân. Cách nghĩ của ông không bình thường. Cách mạ lỵ của ông quá xa lạ với văn hóa viết, văn hóa nghĩ của cộng đồng.
Ngày 5-11 vừa qua, trong chương trình nghị sự tại kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND. Rất mong khi xây dựng dự án luật mới sẽ có những quy định thật chặt chẽ về các tiêu chuẩn sức khỏe, tâm lý, phẩm chất, ý thức trách nhiệm của ứng cử viên ĐBQH, để qua đó sàng lọc, có được những người thực sự xứng đáng. Đồng thời cần có quy định cụ thể về việc cử tri thông qua Mặt trận Tổ quốc được quyền kiến nghị xem xét tư cách để bãi miễn những trường hợp không còn xứng đáng là đại biểu của dân.
VĂN MINH (quận 1, TPHCM)