Để có thể chăn nuôi bền vững

Việc thúc đẩy sản xuất đảm bảo đủ nguồn cung về nhu cầu thiết yếu cho người dân trong nước cũng cần tính đến bài toán cung vượt cầu trong chiến lược an ninh lương thực - thực phẩm. 
LTS: Trước vấn nạn chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo gặp khó khăn kéo dài, TS Kiều Minh Lực đã gửi bài viết đến Báo SGGP, góp thêm ý kiến trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi sao cho phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.  
Để chăn nuôi có thể phát triển bền vững cần tính đến các yếu tố:
Quy hoạch phát triển chăn nuôi
Quy hoạch về thị trường cho các loại sản phẩm
Việc quy hoạch trước hết cần định vị thị trường cho 2 loại sản phẩm chăn nuôi chính là sản phẩm phổ thông và sản phẩm đặc sản để cung cấp chất đạm động vật cho người tiêu dùng.
Theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, sản phẩm đặc sản chỉ chiếm 1% - 2% và được sản xuất từ các giống vật nuôi bản địa. Như vậy, để giải quyết nguồn thực phẩm đạm động vật cho người tiêu dùng thì chăn nuôi công nghiệp bằng các giống cao sản đóng vai trò và tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi.
Chăn nuôi Việt Nam hiện tại ước tính có 60% - 65% sản phẩm được sản xuất ra từ mô hình trang trại chăn nuôi công nghiệp. Như vậy, cả nước cần chuyển dịch khoảng 30% sản xuất nông hộ nhỏ sang chăn nuôi công nghiệp và chỉ cần duy trì một tỷ lệ nhỏ sản xuất nông hộ quy mô nhỏ để chăn nuôi đặc sản.
Quy hoạch về đất đai, quy mô và đối tượng sản phẩm
Tất cả sản phẩm chăn nuôi phổ thông hay đặc sản phải hướng đến đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Trong đó, mô hình chuồng trại, quy mô, địa điểm, diện tích đất tối thiểu và giải pháp xử lý môi trường là những yếu tố quan trọng đối với trang trại để có sản phẩm an toàn.
Trang trại chăn nuôi phải xa khu dân cư, có khoảng cách thích hợp để cách ly với các trang trại chăn nuôi khác và chăn nuôi phải gắn với cây trồng để phát triển hệ thống cây trồng - vật nuôi, cân bằng sinh thái môi trường và làm gia tăng giá trị của hệ thống cây trồng - vật nuôi trên một đơn vị diện tích.
Điều tiết thị trường
Sản lượng các sản phẩm chăn nuôi nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng thường biến động rất lớn dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan và khó kiểm soát như dịch bệnh, thiên tai do thời tiết và cả giá cả thị trường trong và ngoài nước.
Do vậy, cùng với việc thúc đẩy sản xuất đảm bảo đủ nguồn cung về nhu cầu thiết yếu cho người dân trong nước cũng cần tính đến bài toán cung vượt cầu trong chiến lược an ninh lương thực - thực phẩm. Bởi vì, mặc dù nhu cầu thị trường trong khuôn khổ quốc gia khá ổn định, nhưng do những tác động khách quan nêu trên dẫn đến mất cân đối cung - cầu trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.
Do vậy, chiến lược an ninh thực phẩm và phát triển hệ thống điều tiết thị trường sản phẩm chăn nuôi bằng hệ thống nhà máy giết mổ, cấp đông thịt tươi và chế biến là cần thiết. Người chăn nuôi là cổ đông của nhà máy giết mổ - cấp đông và góp vốn theo sản lượng chăn nuôi của trang trại. Việc dự báo sản lượng chăn nuôi thông qua nhà máy giết mổ sẽ thuận lợi và chính xác hơn là theo báo cáo số liệu thống kê đầu con của địa phương.
Đối mặt với thịt đông lạnh giá rẻ
Thế giới hội nhập và tự do thương mại là xu thế tất yếu, không thể ngăn cản. Chăn nuôi Việt Nam đang có giá thành cao hơn một số nước, đặc biệt là những nước có nền nông nghiệp sản xuất nguyên liệu thức ăn dồi dào. Chúng ta không thể khuyến cáo người tiêu dùng chỉ dùng thịt nóng để bảo vệ sản xuất trong nước lâu dài được. Việc bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng trong nước chỉ còn là yếu tố kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do vậy, Việt Nam rất cần thiết phải nghiên cứu kỹ về giải pháp kỹ thuật trong hạn chế nhập khẩu thịt đông lạnh có thể như thời gian bảo quản đông lạnh tối đa của các nước khác nhau có sự khác nhau. Do điều kiện kinh tế kỹ thuật còn hạn chế mà Việt Nam có thể yêu cầu thời hạn bảo quản thịt đông lạnh ngắn hơn các nước phát triển khác.
Bài học của CP Việt Nam
Kinh nghiệm nổi bật của CP trong phát triển chăn nuôi tại Việt Nam là mô hình 3F (feed-farm-food) trong sản xuất thực phẩm an toàn bằng chuỗi giá trị “thức ăn chăn nuôi - trang trại chăn nuôi - chế biến thực phẩm”. Theo đó, sản phẩm cuối cùng là thực phẩm được kiểm soát ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của CP trong chuỗi 3F được vận hành theo phương thức hợp tác với người chăn nuôi, là mô hình liên kết đảm bảo tính bền vững cho người chăn nuôi đơn lẻ trước những tác động tiêu cực của các yếu tố khách quan.

Tin cùng chuyên mục