Để đờn ca tài tử thêm lan tỏa

Sau 26 năm tổ chức, lần đầu tiên Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đưa các người đẹp về Bạc Liêu - nơi được xem là cái nôi của đờn ca tài tử, loại hình âm nhạc dân tộc đặc sắc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để thi tài và tìm hiểu văn hóa truyền thống, đặc biệt là làm quen với nghệ thuật đờn ca tài tử, tập hát bài “Dạ cổ hoài lang” và các bài vọng cổ khác.

Sau 26 năm tổ chức, lần đầu tiên Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đưa các người đẹp về Bạc Liêu - nơi được xem là cái nôi của đờn ca tài tử, loại hình âm nhạc dân tộc đặc sắc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để thi tài và tìm hiểu văn hóa truyền thống, đặc biệt là làm quen với nghệ thuật đờn ca tài tử, tập hát bài “Dạ cổ hoài lang” và các bài vọng cổ khác.

 Mới nghe điều này, có lẽ sẽ có người cho rằng, chỉ làm hình thức, chứ ai đời lại đưa người đẹp về Bạc Liêu rồi lại bắt người đẹp phải tập hát bản “Dạ cổ hoài lang” của cố soạn giả Cao Văn Lầu? Thế nhưng, theo GS-TS Trần Văn Khê, ông rất vui và hoan nghênh khi lần đầu tiên sự kiện nhan sắc quốc gia về với vùng đất Bạc Liêu. Đây là dịp không chỉ để tôn vinh vẻ đẹp của người con gái Việt Nam mà còn qua đó quảng bá thêm các nét văn hóa đặc sắc của Bạc Liêu. Chính vì thế mà GS-TS Trần Văn Khê gợi ý nếu vòng thi chung khảo khu vực phía Nam - cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 ở Bạc Liêu có phần ứng xử thì ban tổ chức nên hỏi làm sao để cho các cô thí sinh hoa hậu nói được chút ít kiến thức của mình về đờn ca tài tử.

Nghĩ đến cách làm của Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần này và qua gợi ý của GS-TS Trần Văn Khê, tôi thấy hoàn toàn có lý. Bởi từ khi loại hình nghệ thuật đặc sắc của Nam bộ - đờn ca tài tử được thế giới vinh danh, sự quan tâm của nhiều cơ quan, ban ngành, các tầng lớp nhân dân Việt Nam và cả bạn bè quốc tế dành cho đờn ca tài tử ngày càng nhiều. Hiện nay, nếu nói về các cuộc thi thì cũng có rất nhiều cơ hội dành cho những tài tử đờn, tài tử ca tỏa sáng. Chẳng hạn như cuộc thi Gia đình tài tử; Tuyển chọn giọng ca cải lương trên sóng phát thanh hàng tuần; rồi Hội ngộ tài tử phương Nam…

Ở mỗi cuộc thi, các tài tử đờn, tài tử ca luôn miệt mài luyện tập, nô nức chuẩn bị thật chu đáo cho phần thi của mình, dù mỗi người đều có những công việc làm ăn khác nhau, nhưng tất cả đều có chung niềm say mê - chơi đờn ca tài tử. Còn trong cuộc sống, ở các miền quê sông nước Nam bộ, nói như soạn giả Ngô Hồng Khanh, mỗi khi có dịp đi đến bất cứ nơi nào ông cũng nghe những tiếng đờn, lời ca mượt mà, ngọt ngào của người chơi đờn ca tài tử. Chính sức sống này đã tạo thêm động lực cho ông cũng như một số soạn giả khác sáng tác những bản vọng cổ mới. Ở TPHCM hiện nay, một số trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học đã mạnh dạn phối hợp với các nghệ sĩ đưa đờn ca tài tử vào trường học biểu diễn phục vụ miễn phí học sinh. Sau các tiết mục biểu diễn sinh động trên sân khấu của trường, các nghệ sĩ còn giới thiệu các loại nhạc cụ, cái hay cái đẹp của đờn ca tài tử giúp cho các em học sinh thêm hiểu biết về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Có thể, mới lần đầu xem, các em học sinh chưa hiểu được hết đờn ca tài tử nhưng nếu duy trì thường xuyên hoạt động này, các em được xem, được tiếp cận nhiều sẽ hiểu rõ và yêu thích. Nói như GS-TS Trần Văn Khê, nếu muốn cho giới trẻ Việt Nam yêu thích nghệ thuật truyền thống thì chúng ta phải làm sao giúp cho người trẻ hiểu được loại hình nghệ thuật đó - đờn ca tài tử. Khi hiểu được, họ sẽ thích và yêu.

Cho nên, nếu muốn giúp cho nhiều người thêm hiểu, thêm thích và yêu đờn ca tài tử thì luôn rất cần sự chung sức của nhiều người. Và với cuộc thi sắc đẹp, khi các người đẹp được tập hát bản “Dạ cổ hoài lang” có thể hay và chưa hay, nhưng chí ít họ cũng đã được trang bị thêm đôi chút kiến thức về văn hóa dân tộc. Đến khi cuộc thi sắc đẹp khép lại, một trong số họ sẽ trở thành hoa hậu, không chỉ là người đại diện cho sắc đẹp Việt Nam mà còn là một sứ giả của văn hóa Việt. Đến lúc đó, nếu người đẹp này biết nhiều về đờn ca tài tử, chắc chắn sự “tuyên truyền”, tạo nguồn cảm hứng cho nhiều người yêu thích và học chơi đờn ca tài tử sẽ càng trở nên dễ dàng hơn. Điều này càng giúp cho đờn ca tài tử thêm sức lan tỏa… Chính vì thế, nếu chúng ta dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn đưa đờn ca tài tử vào nhiều cuộc thi, vào nhiều môi trường giáo dục thì chắc chắn rằng, đờn ca tài tử sẽ vẫn mãi trường tồn!

VÂN AN

Tin cùng chuyên mục