Với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý do thiên nhiên ban tặng, nền văn hóa lâu đời, Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng và lợi thế to lớn để phát triển du lịch. Song cho tới thời điểm này, du lịch Việt vẫn giống như một “nàng công chúa ngủ trong rừng”, chưa thoát khỏi giấc mộng ngàn năm để tỏa sáng. Với mong muốn làm tươi mới hình ảnh du lịch Việt Nam và đi đến một cái đích xa hơn là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ VH-TT-DL đang nỗ lực triển khai chiến dịch thay đổi hình ảnh du lịch Việt.
Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM). dịp lễ 2-9. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đột phá để thay đổi
Trong chương trình này, dịch vụ lưu trú được lựa chọn là khâu đột phá, là “điểm huyệt” có tính chất chìa khóa để tạo chuyển biến căn bản và toàn diện về chất lượng dịch vụ trong toàn ngành du lịch. Các khách sạn 4 - 5 sao sẽ được chọn là điểm đột phá để làm thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam. Khách du lịch tại Việt Nam sẽ được coi như “thượng đế”, được chào đón bằng sự thân thiện của người dân và những dịch vụ chất lượng nhất. Phải để cho nụ cười Việt Nam in sâu vào tâm trí du khách và họ mong muốn được trở lại. Du khách đến Việt Nam sẽ không phải phàn nàn hay lo sợ điều gì mà sẽ tiêu hết tiền rồi mãn nguyện ra về...
Phân tích vấn đề này, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng: Trong chuỗi giá trị du lịch, dịch vụ lưu trú ở vị trí trung tâm, với vai trò cơ bản và nòng cốt cho phần lớn các chuyến đi (trừ du lịch tham quan trong ngày). Tác động vào khâu này chính là lõi của vấn đề. Đây là lựa chọn sáng suốt có tính chất chìa khóa chiến lược. Giải quyết tốt khâu này sẽ căn bản giải quyết được căn bệnh hiện nay của ngành về chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, thương hiệu và sức cạnh tranh. Thực hiện chiến dịch tổng rà soát và đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú đợt này chính là mũi tên nhắm tới đích đó là sự hài lòng của du khách. Sự tôn trọng đối với khách hàng là con đường mà bắt buộc các cơ sở cung cấp dịch vụ phải thấm nhuần.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của Việt Nam cho rằng chất lượng buồng, phòng và nhân lực của các khách sạn 4 - 5 sao của Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực, thậm chí ở các hệ thống khách sạn do các tập đoàn nước ngoài quản lý như Accor (thương hiệu Sofitel, Pullman, Novotel), Intercontinental, Marriott, Six Senses, Hilton hay các khách sạn 4 - 5 sao thuộc hệ thống Saigontourist… còn hơn. Tuy nhiên, điều khiến những người làm du lịch trăn trở chính là công tác quản lý kém tại nhiều địa phương đã khiến các khách sạn “sao dạng local” hay các khách sạn tư nhân tự nhận mình có chất lượng tương đương 3, 4 sao... không biết tự làm mới mình, để đội ngũ nhân viên làm việc thiếu chuyên nghiệp dẫn đến chất lượng dịch vụ thụt lùi, gây ảnh hưởng đến bộ mặt ngành du lịch. Do đó, hơn bao giờ hết việc đẩy mạnh công tác chấn chỉnh các đơn vị lưu trú để trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh với tác phong chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết. Theo bà Lê Thị Như Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình, việc chấn chỉnh các cơ sở lưu trú lần này, các đơn vị lữ hành vô cùng phấn khởi bởi khi chương trình này thành công sẽ giúp các công ty du lịch an tâm trong việc mở rộng liên kết với nhiều đối tác lưu trú khác, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn để trải nghiệm tiện nghi hơn tại các cơ sở đạt chuẩn với chất lượng dịch vụ tuyệt vời và xứng đáng với đồng tiền của mình bỏ ra...
Siết cơ sở lưu trú
Chiến dịch tổng kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở lưu trú trong toàn quốc đã và đang được triển khai, đặc biệt tập trung vào phân khúc cơ sở lưu trú du lịch hạng 3 đến 5 sao tại các trung tâm du lịch lớn, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang. Nếu phát hiện những dấu hiệu lệch chuẩn, vi phạm sẽ kiên quyết xử lý bằng việc thu hồi quyết định công nhận cấp hạng dịch vụ, đồng thời tôn vinh những cơ sở dịch vụ, cá nhân tiêu biểu được đánh giá bằng sự hài lòng của khách du lịch. Có thể nói, đây là quyết định mang yếu tố then chốt trong nỗ lực lấy lại hình ảnh, thương hiệu cho toàn ngành du lịch Việt.
Trên thực tế, từ đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục Du lịch đã ký quyết định thu hồi sao của 17 khách sạn trong cả nước. Tuy nhiên, để hoạt động này mang tính tổng thể, tránh hình thức, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết bên cạnh việc tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống khách sạn trên toàn quốc thì việc làm mới hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được họp triển khai ở cả ba miền (Bắc - Trung - Nam) với các đối tượng có liên quan. Sẽ yêu cầu các khách sạn ký cam kết thực hiện những quy định, sáng kiến làm thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam. Không dừng lại ở những quyết định hành chính một chiều, các khách sạn, cơ sở lưu trú trong chiến dịch lần này cũng có khoảng thời gian 3 tháng để tự chấn chỉnh, đầu tư nâng cấp, tự khắc phục những yếu kém.
Kỳ vọng rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch, chiến dịch cải thiện hình ảnh du lịch Việt sẽ có những bước chuyển biến rõ rệt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực đối với ngành công nghiệp không khói.
MAI AN