Để giảm thiểu những nỗi đau do hỏa hoạn

Một vụ hỏa hoạn diễn ra chưa đầy 1 giờ nhưng đã cướp đi sinh mạng của 5 người trong một gia đình tại khu tập thể Kim Liên (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) và làm 2 người khác bị thương. 

Vụ việc khiến cộng đồng xã hội không khỏi bàng hoàng, xót xa. Vụ cháy tang thương này tiếp tục là lời cảnh báo sâu sắc về mối hiểm họa “nhất thủy, nhì hỏa” lâu nay. 

Thực tế, tình trạng mất an toàn cháy nổ, nhất là tại các nhà dân, chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất đã được cảnh báo không ít lần nhưng sau đó, những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra. Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), chỉ tính riêng trong quý 1, cả nước đã xảy ra 443 vụ cháy, làm chết 21 người, bị thương 25 người; thiệt hại về tài sản khoảng 57,9 tỷ đồng. Trong số đó, cháy nhà dân có 174 vụ; cháy kho, cơ sở sản xuất 84 vụ; cháy nhà ở kết hợp kinh doanh 36 vụ; cháy chung cư và các loại hình khác là 9 vụ. Thiệt hại về người, tài sản do những vụ hỏa hoạn gây ra rất nặng nề và đau xót.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đau lòng trên? Rõ ràng, bên cạnh việc chủ quan, sơ suất, bất cẩn, thậm chí vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, còn không ít lý do khác. Nhiều vụ cháy xảy ra tại nhà dân, sau khi khám nghiệm, kiểm tra hiện trường cho thấy, phần lớn các ngôi nhà được xây dựng có hệ thống lan can sắt kín bảo vệ ở ban công, sân thượng, chỉ có một lối ra vào duy nhất là cửa chính và thường là cửa sắt xếp, hoặc cửa kéo đóng kín. Kiểu thiết kế này gây nhiều khó khăn cho việc dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, người ở trong nhà cũng rất khó thoát ra ngoài khi có cháy. Trong khi đó, ở nhiều chung cư cao tầng, công tác phòng cháy chữa cháy lại có không ít bất cập, như không chỉ thiếu thiết bị chữa cháy tối thiểu mà nhiều nơi còn không có bể nước, đường nước phục vụ công tác cứu hỏa. Đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh, công tác phòng ngừa cháy nổ cũng chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức, thậm chí nhiều nơi chỉ làm hình thức. Bên cạnh đó, dù đã đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn cháy nổ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng hiệu quả đem lại chưa như mong muốn. Đâu đó vẫn còn có hiện tượng làm qua loa, đại khái. Thậm chí còn có tình trạng châm chước, làm ngơ, “bỏ qua” đối với cơ sở, đơn vị mất an toàn cháy nổ khi bị kiểm tra.

Cả nước đang bước vào mùa hè nắng nóng, việc sử dụng điện tăng, nhiều thiết bị điện hoạt động hết công suất dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập cháy. Theo cảnh báo của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, tình hình cháy nổ trong cả nước còn diễn biến phức tạp và khó lường. Để phòng ngừa, giảm thiểu các vụ hỏa hoạn, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng ở các địa phương đề cao hơn vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng an toàn về cháy nổ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn cháy nổ, cảnh báo nguy cơ cháy nổ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy xảy ra nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Mỗi một cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục