Trong cuộc làm việc giữa lãnh đạo TPHCM với Bộ GD-ĐT ngày 7-6-2016, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: “Dứt khoát năm nay (năm học 2016 - 2017) TPHCM không có chuyện dạy thêm học thêm, chuyện chạy trường chạy lớp!”. Cũng cần nhắc lại, trước đó một tuần, Văn phòng Thành ủy TPHCM đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TP với nội dung như trên.
Chuyện dạy thêm học thêm, chạy trường chạy lớp không phải là hiện tượng mới, và mỗi khi bắt đầu vào mùa tựu trường cũng đã có những chỉ đạo như vậy, nhưng rồi vẫn cứ tiếp diễn. Nhưng lần này, có thể ghi nhận Thành ủy TPHCM chỉ đạo quyết liệt hơn. Không dạy thêm học thêm, không chạy lớp chạy trường, đó là mong mỏi của hàng triệu phụ huynh và học sinh. Ở đây ý Đảng hợp lòng dân. Vậy sao nhiều năm liền chủ trương này không được thực hiện đến nơi đến chốn? Ai có con em chuẩn bị vào lớp đầu cấp (mẫu giáo, lớp 1, lớp 6) mới hiểu hết nỗi khổ chạy lớp chạy trường. Có muôn ngàn lý do để chạy: chạy trường tốt, trường điểm, chạy trường gần cơ quan ba mẹ để dễ đưa đón… Các trường cũng nại nhiều lý do từ chối: không đúng tuyến, đã đủ chỉ tiêu, không đáp ứng về điểm số, tiêu chuẩn… Và không nói ra nhưng ai cũng hiểu là phải chạy bằng mối quen biết hoặc đút lót tiền qua những đường dây tiêu cực. Và hậu quả dễ thấy ở những trường có dịch vụ “chạy” ấy là sĩ số lớp nào cũng chật cứng như nêm.
Công bằng mà nói, những năm gần đây, nhiều quận - huyện đã nâng cấp cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của nhiều trường trên địa bàn, nên tình trạng chạy trường đã giảm. Đó là chưa kể nhiều trường dân lập có chất lượng ra đời, góp phần hạ nhiệt chuyện chạy trường. Cách đơn giản và duy nhất để chống chạy trường là phải công khai, minh bạch trong chỉ tiêu tuyển sinh trong tuyến và ngoài tuyến. Không chỉ công khai trong nội bộ trường, ngành, quận… mà phải công khai ngay trước cổng trường, công khai danh sách học sinh ngoài tuyến nếu được tuyển để “dân biết, dân kiểm tra”. Rồi phải công khai số điện thoại nóng của Thanh tra Sở GD-ĐT để dân phản ánh, góp ý. Trường hợp nào chưa rõ ràng, minh bạch phải trả lời tường tận cho dân biết.
Chống dạy thêm học thêm vẫn là chuyện nan giải. Đã có rất nhiều diễn đàn, ý kiến, bài báo, chỉ thị về nạn dạy thêm, học thêm. Mới đây, một tờ báo còn đưa ra cả hai luồng ý kiến trái chiều quanh vấn đề này, trong đó một phía đề nghị nên duy trì vì đó là “nhu cầu”, ý kiến khác cho rằng nên dẹp bỏ. Thực tế, chuyện dạy thêm, học thêm trong trường (không phải lớp phụ đạo) không hiệu quả do không tăng thêm thu nhập cho giáo viên, nhiều người dạy như “trả nợ”, học sinh thì lơ là, thậm chí đăng ký nhưng không học. Ngược lại, có giáo viên dạy trong lớp qua quýt nhưng dạy thêm ở nhà rất chỉn chu, bài bản, để buộc phụ huynh phải cho con học thêm ở nhà thầy. Nhờ vậy, có những giáo viên thu nhập rất “khủng”. Bàn hoài mấy năm nay, thậm chí có nhiều văn bản cấm dạy thêm ở nhà, nhưng rồi “đánh trống bỏ dùi” vì không giải quyết được mâu thuẫn dạy ở trường hay dạy ở nhà. Và một thực tế rất hiển nhiên mà ai có con đi học cũng hiểu: không học thêm thì không làm tốt bài kiểm tra. Thế nên, cấm thì cấm, học thêm cứ học, dù biết học thêm là tốn kém, vất vả cả cha mẹ lẫn con cái.
Cái chốt của vấn đề, nằm trong phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tại cuộc họp nêu trên: “Các trường quốc tế người ta có dạy thêm học thêm đâu, học phí rất cao mà vẫn có nhiều người cho con theo học. Vì chương trình trường quốc tế nhàn, phân phối hợp lý, chú trọng phát triển kỹ năng sống”.
Trừ các lớp phụ đạo (không thu tiền) do nhà trường tổ chức cho học sinh yếu, chắc hẳn đông đảo phụ huynh và học sinh sẽ hoàn toàn tán thành chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM về việc chấm dứt dạy thêm học thêm cả trong và ngoài trường. Muốn vậy, trước tiên phải mạnh dạn giảm tải chương trình học, không chỉ giảm 10% như đã từng làm mà phải giảm mạnh hơn, quyết liệt hơn; học sinh chỉ cần học 4 - 5 môn là đủ; bù lại phải tăng cường giáo dục kỹ năng cho các em. Liệu có làm được không? Điều này đã thể hiện khá đầy đủ trong 8 kiến nghị của ngành GD-ĐT TPHCM với Bộ GD-ĐT trong cuộc họp nói trên, trong đó nhấn mạnh việc cho phép TPHCM một cơ chế đặc thù nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới. Nếu được thực hiện 8 giải pháp mà ngành GD-ĐT TPHCM đề xuất, sẽ là niềm vui cho hàng triệu phụ huynh và học sinh TPHCM.
Trước mắt, với chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM, năm học 2016 - 2017 sẽ ra sao? Dư luận đang chờ câu trả lời từ người đứng đầu ngành GD-ĐT TPHCM và dư luận cũng tin tưởng những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM sẽ sớm hiện thực.
THƯ LÊ