Theo bà Trần Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, việc định hướng, thẩm định chương trình nội dung của học kỳ quân đội (HKQĐ) theo chuẩn, phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của thanh thiếu niên là cần thiết, nhằm góp phần tạo ra sân chơi bổ ích, an toàn và hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu của phụ huynh ở khắp cả nước muốn cho con em tham gia chương trình HKQĐ hiện rất lớn. Vậy làm cách nào để HKQĐ vừa đúng định hướng vừa đáp ứng được nhu cầu?
Thẩm định kỹ nội dung
Theo thống kê chưa chính thức, cả nước hiện có trên 60 đơn vị, cơ quan tham gia thiết kế, tổ chức các khóa học HKQĐ với nhiều hình thức, nội dung khác nhau và không tuân theo chương trình khung, khiến cho mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động này ở một số địa bàn chưa đạt yêu cầu. Thậm chí có nhiều đơn vị tổ chức quảng bá rầm rộ, thu phí quá cao nhưng chất lượng khóa học không tương xứng.
Chính vì thế, để chấn chỉnh, định hướng lại nội dung chương trình cho chặt chẽ, khoa học, an toàn và phù hợp với tâm sinh lý của thanh thiếu niên, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có quyết định tạm dừng HKQĐ, chứ không phải ngưng chương trình.
Và mới đây, theo hướng dẫn liên tịch số 723/ HDLT/TCCT-TWĐTN ngày 25-5-2012, đơn vị chủ trì được phép tổ chức HKQĐ trong thanh thiếu niên giai đoạn 2012-2015 là các cấp bộ Đoàn, các đơn vị thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức chương trình HKQĐ, có đủ điều kiện, khả năng phối hợp với các đơn vị quân đội và các đơn vị liên quan. Các đơn vị phối hợp là những đơn vị quân đội trong toàn quân có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nơi ăn, nghỉ, thao trường bãi tập, dụng cụ huấn luyện đảm bảo được các nội dung huấn luyện theo chương trình khung.
Như vậy các đơn vị quân đội không được tổ chức chiêu sinh và chủ trì HKQĐ, không được phối hợp, đăng cai chương trình này với các đơn vị, tổ chức không phải là cấp bộ Đoàn, các cơ quan đơn vị của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Cũng theo văn bản này, từ nay việc thẩm định giáo trình, nội dung chương trình khung của HKQĐ sẽ thống nhất, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng đối tượng học viên, các đơn vị tổ chức có thể điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình HKQĐ cho phù hợp nhưng phải đảm bảo tối thiểu 80% nội dung của chương trình khung.
Yêu cầu của mô hình giáo dục tổng thể dành cho thanh thiếu niên là đảm bảo trang bị kiến thức cơ bản về quốc phòng - an ninh, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Qua đó giúp thanh thiếu niên làm quen với môi trường quân đội, rèn luyện tính tự chủ, bản lĩnh, kỷ luật, tác phong của người lính.
Song song đó, học viên được trang bị và phát triển kỹ năng xã hội, kỹ năng sống để sống tự tin, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, quan tâm đến cộng đồng xã hội, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tránh xa các tệ nạn xã hội…
Mở rộng chương trình
Ông Hoàng Đại Thanh, Bí thư Đảng bộ phía Nam Cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho biết, sau 4 năm thử nghiệm, chuyển giao mô hình HKQĐ ở 43 tỉnh - Thành đoàn, đến nay chương trình đã mở rộng và thu hút được trên 12.000 thanh thiếu niên cả nước tham gia. Hiệu quả từ chương trình đã tác động mạnh mẽ đến thanh thiếu niên và trở thành hoạt động nổi bật của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên cả nước, thu hút sự quan tâm của xã hội, các bậc phụ huynh. Hình ảnh thanh thiếu niên trong bộ quân phục đã trở thành một biểu tượng mới của giới trẻ gắn liền với chất thép và sự trưởng thành.
Là đơn vị đầu tiên tổ chức mô hình này, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam đã làm lễ xuất quân lần thứ 25 cho hơn 10.000 thanh thiếu niên cả nước tham gia. Riêng năm 2012, trung tâm dự kiến tổ chức 6 lớp HKQĐ cho hơn 600 em. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ huynh ở các địa phương, năm nay trung tâm còn tham gia hỗ trợ một số nội dung huấn luyện HKQĐ cho 8 tỉnh - Thành đoàn (Đắc Nông, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ, Phú Yên, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Phước).
Sắp tới, để mở rộng thêm sân chơi bổ ích này, trung tâm sẽ hỗ trợ việc huấn luyện, đào tạo, cung cấp điều phối viên cho các địa phương có nhu cầu để tổ chức chương trình đạt hiệu quả. Hè năm nay, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM cũng tổ chức 6 khóa HKQĐ cho khoảng 700 thanh thiếu niên.
Theo đại tá Lê Kiên Nhẫn (Sư đoàn Bộ binh 309 Quân đoàn 4), được trải nghiệm, rèn luyện trong môi trường quân đội, bồi dưỡng kỹ năng sống, nhiều em đã hiểu rõ hơn những giá trị sống, biết yêu thương gia đình và hứa sống tốt hơn, có ích hơn… Với mục đích giáo dục, rèn luyện ý chí, nghị lực, bản lĩnh, tinh thần vượt khó, ý thức tự lập, lòng yêu thương, chia sẻ với gia đình và cộng đồng…, các lớp HKQĐ đã giúp nhiều thanh thiếu niên không chỉ thay đổi nhận thức, biết sống tốt hơn mà còn trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để lớp trẻ thực sự chuyển biến, hiểu rõ các giá trị sống, sống có kỹ năng, tự lập, phụ huynh phải thay đổi cách giáo dục con cái, không nên quá bảo bọc, nuông chiều các em. Có như thế hành trình lâu dài gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội mới mang lại hiệu quả thiết thực.
KHÁNH HÀ