TPHCM đang hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế và vươn lên vị trí hàng đầu cả nước về tạo ra những sản phẩm giáo dục đạt chuẩn chất lượng cao.
Trong nhiều việc phải làm ngay, tháo gỡ dần rào cản, trì trệ để tạo môi trường học tập tiên tiến, lý tưởng cho học sinh, chính quyền TP và ngành GD-ĐT địa phương phải coi nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp trường học đạt chuẩn tối thiểu là nhiệm vụ trọng tâm. Như thế, phải quy hoạch, rà soát lại những ngôi trường đang xuống cấp, diện tích quá nhỏ, thiếu sân chơi, thiếu các phòng học chức năng mà báo chí, dư luận đã lên tiếng trong nhiều năm học trước. Đã qua rồi cái thời quá khó khăn, chúng ta phải tận dụng mặt bằng làm trường học, sử dụng các cơ sở giáo dục của tôn giáo, tư thục để tạo chỗ học cho học sinh.
Do lịch sử để lại nên TPHCM mới có những ngôi trường “bé như hộp diêm” nhưng chúng ta không thể duy trì mãi hình ảnh trường không ra trường, lớp không ra lớp như thế này ở các quận nội thành. Điển hình là Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt quận 5, Trường Tiểu học Vạn Tường quận Phú Nhuận, Trường Tiểu học Trần Quang Khải quận 1… Sau nhiều năm khổ sở, phụ huynh ở phường 11 quận 10 đón nhận tin vui, từ năm học 2017-2018, con em của họ sẽ được học trong ngôi Trường Tiểu học Điện Biên mới xây khang trang, hiện đại. Thế là chấm dứt cảnh chứng kiến học trò của mình quá khổ cực khi phải học trong ngôi trường quá nhỏ, xuống cấp nặng.
Vì sao có hiện tượng chạy trường, chạy lớp? Ngoài mong muốn chân chính là con em mình được học trong những ngôi trường khang trang, đẹp đẽ, hiện đại, thì một số phụ huynh tìm mọi cách thoát khỏi những ngôi trường trong tuyến quá nhếch nhác, thiếu thốn về cơ sở vật chất, học sinh không có niềm vui chạy nhảy ở sân trường. Đành rằng chủ trương phân tuyến học sinh là đúng đắn, nhưng sẽ thiếu công bằng khi học sinh lỡ sinh ra trên địa bàn chỉ có duy nhất trường lớp nhỏ, thậm chí trông nhếch nhác thì không có chọn lựa nào khác? Rất nhiều hiệu trưởng đang “lái” những “con thuyền nhỏ, xuống cấp này” phải ngậm ngùi vì học sinh, phụ huynh chỉ muốn bỏ đi nơi khác học bằng nhiều cách.
Trong nhiều năm qua, TPHCM đã ưu tiên nguồn ngân sách cho giáo dục rất lớn và hàng năm xây thêm hàng ngàn phòng học mới, hàng chục ngôi trường khang trang đạt chuẩn, nhưng nhìn lại vẫn còn nhiều góc khuất phải đầu tư. Để mở rộng diện tích và xây thêm những ngôi trường khang trang, các quận, huyện nên hoán đổi mặt bằng hoặc sáp nhập các trường nhỏ vào những trường có quy mô lớn hơn để học sinh được thụ hưởng điều kiện học tập công bằng. Thực tế cho thấy, nếu chính quyền địa phương kiên quyết dành ưu tiên mặt bằng cho giáo dục, kiên quyết xóa bỏ những ngôi trường bị báo chí “bêu tên”, phụ huynh tẩy chay thì chắc chắn học sinh, thầy cô không phải ngậm ngùi, tủi thân vì phải học, dạy trong những ngôi trường chẳng giống trường học ở một TP hướng đến văn minh, hiện đại như chủ trương của lãnh đạo TPHCM.
HÀ KHÁNH