Để học trò tự tin, năng động

Đổi mới giáo dục là vấn đề cấp bách và chúng ta kỳ vọng sản phẩm giáo dục sẽ dần cải thiện để thích ứng với thị trường lao động đòi hỏi kỹ năng cao ở thế kỷ 21. Ngoài hành trang kiến thức, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, người lao động phải thể hiện sự tự tin, năng động, sáng tạo mới có thể làm việc hiệu quả, năng suất cao. Để giúp học sinh tự tin, sáng tạo và có kỹ năng sống tốt hơn, nhiều trường học ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến, phương pháp dạy học hiện đại.

Thông qua mô hình trường học mới Việt Nam VNEN, dạy học theo dự án, chủ đề và dạy học tích hợp, liên môn, học sinh được trải nghiệm thực tế, gắn kết những điều đã học với thực tiễn sinh động của cuộc sống. Nhờ được “nhúng vào” các dự án, học và làm việc theo nhóm, học sinh không chỉ có cơ hội thể hiện năng lực, sở trường riêng mà còn bộc lộ tài năng, trưởng thành nhanh chóng. Điều này cho thấy, muốn học sinh phổ thông năng động, tự tin thì phải tạo môi trường giáo dục tiên tiến thật sự để các em thể hiện năng lực, sở trường và làm những điều mình thích.

Thế nhưng, nhìn lại thực tế có bao nhiêu trường đủ điều kiện để áp dụng theo mô hình giáo dục mới? Không chỉ thiếu trường, thiếu lớp, thiếu phòng thực hành, trang thiết bị thực hành, sĩ số lớp học quá đông đang là thách thức, rào cản lớn. Đó là chưa kể chất lượng của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo phương pháp tiên tiến, coi học sinh là trung tâm.

Nhìn vào kết quả giáo dục dễ thấy, nếu trường nào có đội ngũ giáo viên giỏi, có phẩm chất, năng lực và kỹ năng sư phạm tốt thì ở đó “sản phẩm” giáo dục tạo ra có sự khác biệt, học sinh năng động, tự tin hơn. Chính đội ngũ người thầy là yếu tố quyết định việc dạy và học đạt chất lượng cao. Không chỉ nhóm lửa đam mê, khơi mào sự sáng tạo, người thầy giỏi còn giúp học sinh tự tin, phát huy hết nội lực.

Một hiệu trưởng trường phổ thông ở TPHCM tâm sự rằng, nếu học sinh thiếu tự tin, không dám nuôi dưỡng ước mơ và không dám làm điều mình thích thì làm sao các em nên người? Trăn trở với điều đó, vị hiệu trưởng này đã đặt mục tiêu giáo dục đầu tiên là giúp học trò của mình tự tin, năng động, dám bày tỏ chính kiến. Để làm được điều này, ban giám hiệu đã khuyến khích các em phản ánh suy nghĩ, đánh giá về hoạt động giáo dục của nhà trường, kể cả nhận xét về tiết dạy của thầy cô và đề xuất mong muốn của mình.

Từ thông điệp của học trò, nhà trường nhìn thấy nhiều điều cần phải điều chỉnh trong hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa và qua đó cũng góp ý cho những hành vi chưa chuẩn mực của giáo viên. Khi được ban giám hiệu đón nhận những lời nhận xét chân thành của mình, học trò cảm thấy vui và tự tin đóng góp ý kiến nhiều hơn. Nhưng thử hỏi có mấy trường học tôn trọng và khuyến khích học trò bày tỏ chính kiến riêng?

Một vị hiệu trưởng khác cũng cho rằng đổi mới giáo dục bắt đầu từ những điều giản đơn là hiểu học trò, giúp các em học thoải mái và làm những gì mình thích. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào việc “cởi trói” dần những ràng buộc lẫn tư duy quản lý học sinh theo cách cũ lại không dễ. Thế nhưng, để mỗi ngày các em đến trường cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc thực thụ, “thuyền trưởng” này đã nghĩ ra nhiều cách thu phục học trò. Không chỉ tạo ra một ngày khác biệt, học trò được mặc những bộ quần áo yêu thích, ông còn tạo ra nhiều sân chơi rèn luyện thể thao, năng khiếu hấp dẫn khác.

Đổi mới giáo dục toàn diện là mục tiêu lớn, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, bài bản. Và trong khi chờ đợi sự lột xác của cả đoàn tàu giáo dục, rất cần sự đột phá sáng tạo của từng con tàu giáo dục nhỏ. Để mỗi “sản phẩm” giáo dục của nhà trường đạt chất lượng, học sinh tự tin, dám nghĩ, dám làm những điều mình thích, thầy cô phải đổi mới cách dạy, cách truyền thụ kiến thức và trên hết là sự đồng hành, nâng đỡ từng giấc mơ của học trò.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục