Để không phải thốt lên: Giá như...

Hiện nay, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế cũng luôn tiềm ẩn nhiều hiểm họa về cháy nổ.
Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM đã và đang gia tăng về số lượng; đồng thời sử dụng ngày càng nhiều các trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, đi đôi với sự tiện ích thì các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế cũng luôn tiềm ẩn nhiều hiểm họa về cháy nổ.
Theo Thượng tá Trần Văn Thành, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 11 (TPHCM), các nhóm nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh có thể kể đến trước tiên là việc buông lỏng, không chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật về PCCC và cứu hộ cứu nạn. Thứ hai, việc câu mắc sử dụng điện không đảm bảo an toàn. Thứ ba, sự thiếu chặt chẽ trong việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đặc biệt, tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh như hiện nay, bệnh nhân phải nằm ra cả ngoài khu vực hành lang, sẽ gây cản trở lối thoát nạn nếu không may xảy ra hỏa hoạn. Mặt khác, khi có sự cố, khu này sẽ gây khó khăn cho lực lượng PCCC trong việc tiếp cận, triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Đáng lo hơn, đa số bệnh viện, cơ sở y tế luôn có khối lượng lớn vật tư, trang thiết bị y tế dễ cháy; khi cháy sẽ tỏa ra nhiều khói độc khiến người trong đám cháy khó kịp thoát thân. Tại khu vực tầng hầm của những cơ sở này thường bố trí nhiều thiết bị công nghệ, bên trong luôn tồn chứa một lượng nhất định chất lỏng dễ cháy như: xe cộ chen chúc, máy biến thế, máy phát điện động cơ diesel và các hạng mục công trình phụ khác... nên khi có hỏa hoạn xảy ra thì ngọn lửa có khả năng phát triển mạnh và lan nhanh lên các tầng cao, gây nguy hiểm cho người đang lưu trú bên trong công trình.
Để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, mỗi bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh phải tự thân thực hiện tốt những biện pháp phòng ngừa “giặc lửa”. Trong đó, quan trọng nhất là người đứng đầu cơ sở và nhân viên phải chấp hành nghiêm nội quy, quy định của pháp luật về PCCC; tích cực tham gia các buổi tuyên truyền PCCC, các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC để được trang bị kiến thức và nâng cao ý thức vai trò trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy nổ tại đơn vị mình.
Ý thức trách nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn PCCC. Vì vậy, mỗi cán bộ, nhân viên, y bác sĩ cùng bệnh nhân khám, điều trị tại các cơ sở y tế cần nâng cao hơn tinh thần cảnh giác trước những nguy cơ gây cháy nổ. Có như vậy, công tác PCCC tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh mới mong được thực hiện nghiêm túc. Qua đó, phòng tránh được những tai nạn thương tâm, đáng tiếc có thể xảy ra, đừng để chúng ta phải thốt lên: “Giá như...”! 

Tin cùng chuyên mục