Mới đây, đề thi học kỳ 1 môn Giáo dục công dân đã khiến học sinh ở các trường THCS quận 3 hào hứng, thích thú bởi cách ra đề mở, nội dung gần gũi, mang hơi thở cuộc sống. Không những thế, đề thi này cũng khiến cộng đồng mạng, phụ huynh quan tâm vì nêu lại những tình huống, câu chuyện gây bức xúc dư luận xã hội. Điều đáng nói là có những tình huống rất đỗi bình thường, chỉ là một lời nhận lỗi, xin lỗi nhưng không phải ai cũng làm được. Phải chăng trong cuộc sống thường nhật vội vã, bon chen, chạy theo giá trị ảo thời hiện đại, kỹ thuật số, con người đã quên đi những giá trị văn hóa, hành xử đúng chuẩn mực văn minh?
Chính vì thế, hành động trung thực, biết nhận lỗi, có trách nhiệm sửa sai của cậu học trò lớp 11 ở Hải Phòng khi để lại lời xin lỗi vì làm vỡ kính xe hơi đã tạo cảm hứng bàn luận, nêu quan điểm sống cho học sinh lớp 7. Đề thi chụp lại bức ảnh về lời nhắn của cậu học trò được đăng tải trên cộng đồng mạng trong nhiều tháng qua đã tạo ra cơn sốt khiến nhiều người quan tâm. “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ, liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ (do không biết chủ ô tô là ai) 0949....”. Diễn biến sau đó của sự việc chủ xe không hề bắt đền cậu học trò mà còn lấy đó làm tấm gương cho con mình học tập. Đề thi yêu cầu học sinh phải viết đoạn văn nêu suy nghĩ của mình về anh học sinh nói trên và bản thân cần rèn luyện như thế nào để trở thành người trung thực?
Trước thực trạng xã hội biến động và phát sinh quá nhiều điều giả dối, mất niềm tin, học đường phải hướng các em tới giá trị sống chuẩn mực đầu tiên là trung thực.
Ở khối lớp 9, đề thi cũng xới lên vấn đề đang bị xã hội lên án mạnh mẽ là thực phẩm bẩn, hành vi hôi của xấu xa. Báo động về việc làm của những tiểu thương buôn bán hàng giả, hàng nhái, trái cây hóa chất... để học sinh suy nghĩ, đề thi cũng yêu cầu các em cam kết lời hứa tự trọng, trung thực nếu sau này là một người kinh doanh, buôn bán. Ở tình huống khác, đề thi nhắc lại sự cố xe hàng bị bốc cháy ở Bình Định và sau đó có hàng chục người dân tham lam, vô cảm lao vào hôi của, hàng hóa gồm sữa, bột ngọt… Bất chấp cảnh tài xế bất lực đứng khóc than, đám đông vẫn lao vào cuồng say cơn hôi của. Từ câu chuyện nhói lòng, đi ngược truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, đề thi yêu cầu học sinh viết đoạn văn ngắn khuyên mọi người không nên hôi của, biết sống nhân ái, tương thân tương trợ.
Với cách ra đề thoát ra khỏi lý thuyết nhàm chán, khô cứng của sách giáo khoa, đề thi môn Giáo dục công dân do Phòng GD-ĐT quận 3 TPHCM ra đã mang hơi thở của cuộc sống. Nó đã tạo cảm xúc, hứng thú cho học trò bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình trước các vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Phân tích, nhìn nhận những mặt trái của xã hội, các em sẽ tìm thấy những giá trị sống cần được tôn tạo, nâng niu như tình yêu thương, lòng nhân ái, lòng tự trọng, tính trung thực…
Có thể nói, việc chủ động đổi mới cách dạy - học đối với môn Giáo dục công dân ở TPHCM gần đây là tín hiệu đổi mới cách dạy - học lẫn kiểm tra, đánh giá học sinh. Thay vì bắt học sinh trả bài theo sách giáo khoa, nặng về lý thuyết, đề mở gắn với đời sống sẽ giúp các em biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, xử lý tình huống đặt ra phù hợp. Trải nghiệm này cũng giúp học sinh trang bị thêm kỹ năng sống, định hình việc phát triển nhân cách, giá trị sống chuẩn mực như giàu lòng nhân ái, sự trung thực, lòng tự trọng, sống có trách nhiệm...
Trước thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp, hành vi thiếu văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều, vai trò của giáo dục trong việc định hướng phát triển hệ giá trị, chuẩn mực nhân cách cho học trò rất quan trọng.
Nếu gia đình, nhà trường và xã hội không dạy các em biết làm người, biết phân biệt đúng sai, dũng cảm đấu tranh với cái xấu hoặc hành vi phản đạo đức, phản văn hóa thì giới trẻ sẽ lạc đường, mất phương hướng. Các em không chỉ phạm tội ở tuổi vị thành niên mà còn thiếu trách nhiệm, vô tư tiếp tay cho những việc xấu, vô đạo đức. Điều này đang bào mòn các giá trị sống tốt đẹp, giàu tính nhân văn của dân tộc Việt và nó khiến giới trẻ không tiếp thu được những giá trị sống tinh hoa của nhân loại.
KHÁNH BÌNH