Để mãi âm vang

“Chân lý thuộc về mọi người/ Không chịu sống đời nhỏ nhoi/ Xin hát về bạn bè tôi/ Những người sống vì mọi người…”. Giữa không gian vắng lặng, sân khấu dựng ngoài trời bao quanh là những hàng cây cao ở khu cách ly tập trung, ca khúc Một đời người một rừng cây (nhạc sĩ Trần Long Ẩn) vang lên trầm bổng, sâu lắng qua tiếng hát của NSND Tạ Minh Tâm.

Sức sống vững bền

Từ trên các tầng cao, nhiều khán giả hòa cùng nhịp hát vang: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”. NSND Tạ Minh Tâm chia sẻ, lúc này, nghe ca khúc dễ làm người ta muốn gắn bó với nhau hơn, cần nhau hơn, thương nhau hơn.

Như nhạc sĩ Trần Long Ẩn  từng bày tỏ, khúc ca xuất phát từ câu của một người lãnh đạo khi nói về rừng đước và gửi gắm vào đó lời nhắn nhủ lớp trẻ rằng: đã là thanh niên thì phải chung sức cùng nhau. Ca khúc mượn lời khen vẻ đẹp của rừng cây để nói về vẻ đẹp con người năm xưa và đến hôm nay, hình ảnh đó vẫn còn nguyên giá trị.

Không chỉ có nghệ sĩ gạo cội như Tạ Minh Tâm, nhiều nhóm ca trẻ cũng mang đến khu cách ly những bài hát đi cùng năm tháng. Nhóm nhạc Bản Sắc Việt tham gia 7 đêm diễn trong tháng 8 ở các khu cách ly, đã chọn ca khúc Giai điệu tự hào (Phạm Hồng Biển), Quê hương tình yêu và tuổi trẻ (Quốc Dũng)…

Ca sĩ Lê Trọng Tiến, trưởng nhóm Bản Sắc Việt kể: “Từ những ô cửa sổ, hành lang ký túc xá mọi người hò reo, vỗ tay rất nồng nhiệt như đã từ rất lâu chưa được xem các chương trình văn nghệ trực tiếp. Chúng tôi hát ở dưới sân, còn họ thì ở tít trên cao nhìn xuống, không ai thấy rõ ai, nhưng tôi tin rằng lời ca đã chạm được đến người nghe”.

Để mãi âm vang ảnh 1 Âm nhạc truyền thống luôn có sức hút với khán giả. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đã lâu nghe lại các ca khúc này, bạn Nguyễn Thị Kim Hiếu (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) xúc động nói: “Không biết có phải do thời điểm này những người trẻ như mình chứng kiến quá nhiều sự hy sinh, quá nhiều tấm lòng của người nơi tuyến đầu, từ y bác sĩ đến các chú công an, anh bộ đội… mà nghe lời hát là rưng rưng, lòng mình cũng chậm lại vài nhịp với những cảm xúc đặc biệt”.

Luôn có sân khấu riêng

Nói về “gu” nghe nhạc bây giờ, bạn Hoàng Minh Tuấn (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) thẳng thắn bày tỏ: “Các bạn trẻ thưởng thức âm nhạc thường chịu tác động từ các dòng nhạc thịnh hành trên thị trường, từ rock, rap, hiphop, ballad… trong nước, đến K-pop, nhạc Âu - Mỹ. Phong cách trẻ trung và đôi khi “quái” phù hợp cá tính của người trẻ nên họ thích. Còn với dòng nhạc truyền thống, cách mạng, tôi nghĩ nếu ở một số chương trình nào đó, họ vẫn nghe. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số chương trình nhạc truyền thống, cách mạng được hòa âm phối khí mới, dần dần có sự đón nhận của người trẻ”.

Tiếp nối thế hệ trước như các NSND Trung Hiếu, Lê Dung, Quang Thọ, Thu Hiền, Tạ Minh Tâm, nhiều ca sĩ rất trẻ cũng chọn dòng nhạc truyền thống, cách mạng để theo đuổi. Bản Sắc Việt tại TPHCM là một nhóm nhạc như thế. Ca sĩ Trọng Tiến (nhóm Bản Sắc Việt) cho rằng, sự quan tâm tới âm nhạc truyền thống của người trẻ hiện nay khá mờ nhạt, nhất là khi có quá nhiều chương trình giải trí phù hợp thị hiếu số đông thanh thiếu niên, nên họ ít nghe nhạc truyền thống là điều dễ hiểu.

Để mãi âm vang ảnh 2 Nhóm ca trẻ "Bản Sắc Việt" chọn dòng nhạc truyền thống, cách mạng để theo đuổi đam mê ca hát

Theo nhạc sĩ Quốc An, nghệ sĩ theo dòng nhạc truyền thống vẫn có sân khấu riêng, họ thường biểu diễn ở những chương trình chính thống, hay tại các trung tâm văn hóa quận huyện, các chương trình giao lưu, phục vụ miễn phí người dân…, thậm chí biểu diễn ở nước ngoài. Nhiều ca sĩ như Mỹ Tâm, Đan Trường, Cẩm Ly, Đức Tuấn… dù rất nổi tiếng với nhạc trẻ, trữ tình, nhưng vẫn hát các ca khúc truyền thống cách mạng với một nét rất riêng, chứng minh sức sống mạnh liệt của dòng nhạc này.

Anh nói thêm: “Khán giả trẻ tương đối vô tư, nhưng dần dần các bạn sẽ hiểu, cảm nhiều hơn. Như qua đợt dịch bệnh này, nhìn thấy hình ảnh chiến sĩ công an, bộ đội, y bác sĩ phải vất vả rất nhiều, những lúc như thế, lắng nghe những bài truyền thống, cách mạng, người trẻ sẽ hiểu hơn ý nghĩa hai chữ hy sinh”.

Với dòng nhạc truyền thống, hiện nay nhiều ca sĩ có cách phối trẻ trung, hiện đại, được ghi nhận. Một số khán giả lớn tuổi không đồng tình, cho rằng nghệ sĩ trẻ làm mới nhạc cách mạng không còn giữ được chất hào sảng, khó chạm trái tim người nghe. Và rằng, ca sĩ trẻ khi sáng tạo cần đúng mực, nghiêm túc. Nhạc sĩ Quốc An cho rằng: “Giờ người đi trước cũng khá thoáng, dễ dàng đón nhận sự đổi mới từ nghệ sĩ trẻ”.

Về phần mình, nhạc sĩ Quốc Bảo thẳng thắn: “Để hát tốt những bài hát đó, ca sĩ cần đặt mình vào dòng chảy lịch sử, tìm hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm, hát sao cho thật đúng nhạc. Không nhất thiết phải quá chiều theo người trẻ để biến nhạc truyền thống thành cái gì đó lạc điệu, lai căng…".

Tin cùng chuyên mục