Để mỗi ngày đều an toàn trở về nhà

Để mỗi ngày đều an toàn trở về nhà

Cùng với sự tăng trưởng của đất nước, tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề nhức nhối của xã hội, gây hậu quả nặng nề về tài sản, tính mạng của người dân. Trong 5 năm qua, cả nước xảy ra trên 158.000 vụ TNGT, làm chết trên 40.000 người. So với giai đoạn 5 năm 2005 - 2010, từ chỗ bình quân mỗi ngày có 33 người chết vì TNGT thì hiện còn khoảng 26 người/ngày. Tuy đã giảm về số vụ, số người chết nhưng tình hình TNGT vẫn hết sức phức tạp. TNGT vẫn là nguyên nhân gây chết người nhiều nhất hiện nay, gấp rất nhiều lần so với các loại dịch bệnh. TNGT cũng gây ra cái chết thảm khốc nhất, bi thương nhất trong xã hội hiện nay; đến mức người dân luôn cảm thấy lo lắng: bất cứ ai ra khỏi nhà cũng có thể không quay trở về.

Những con số trên đã được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu ra chiều 23-11, trong hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2011 - 2016 và triển khai chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2021 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Dẫn chứng con số tỷ lệ TNGT đường bộ chiếm 97% số người chết, nhiều đại biểu cho rằng, phần lớn các vụ TNGT đường bộ là do ý thức của người tham gia giao thông (chiếm 71,27%), tập trung chủ yếu vào các lỗi đi không đúng làn đường, chuyển hướng không đúng, chạy quá tốc độ, không nhường đường tại nơi giao nhau, vượt xe không đúng quy định, sử dụng rượu bia…

Trong khi, các bất cập về quy hoạch giao thông, chất lượng đường và bến bãi, hệ thống tín hiệu, cảnh báo, chiếu sáng chỉ là nguyên nhân của 29% số vụ TNGT đường bộ. Vì vậy, tuyên truyền về luật pháp và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho người dân là giải pháp ít tốn kinh phí nhưng đem lại tác dụng mạnh nhất. Đặc biệt, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trong số các phương tiện gây TNGT đường bộ thì mô tô, xe máy chiếm 66,7%; ô tô 27% nên cần tập trung tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra năng lực hiểu biết và nhắc nhở ý thức chấp hành pháp luật giao thông của 2 đối tượng này, nhất là trong bối cảnh số phương tiện giao thông ở nước ta sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới.

TNGT đường bộ chiếm 97% số người chết. Trong hình: Một vụ TNGT trên quốc lộ 1A

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, cuộc vận động toàn dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông của MTTQ Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia 5 năm qua đã huy động được mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong công tác này. Nhưng với tình hình TNGT hiện nay, cả hệ thống chính trị cần phải tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện đồng bộ, nhiều chương trình, giải pháp để kéo giảm TNGT, trong đó có việc hoàn thành xử lý dứt điểm các điểm đen về TNGT. Cùng với đó là siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Dầu vậy, giải pháp quan trọng hàng đầu vẫn phải là đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động này để đạt mục tiêu đến năm 2020 kéo giảm số người thiệt mạng vì TNGT chỉ còn 20 người/ngày, mỗi gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, mỗi xã nông thôn mới, mỗi phường văn minh phải là một gia đình, khu dân cư, xã, phường an toàn giao thông; mỗi gia đình, khu dân cư, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan truyền thông phải là một trường học, là nơi thi đua về an toàn giao thông; mỗi người dân khi ra đường phải ý thức an toàn giao thông chính là sự an nguy của chính mình.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục